Để đưa được chủ công cao 1m98, rất nhiều lời đồn đoán về các khoản phí mà đội bóng Gleximco Thái Bình chi trả đưa Polina Rahimova tới với Việt Nam. Theo nguồn tin của SGGP và cũng có thêm sự tham khảo thông tin từ Trung tâm Huấn luyện thể thao Thái Bình, tổng các khoản để tay đập này tới Việt Nam là 57.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng). Rõ ràng, khi Polina Rahimova có mặt tại Việt Nam cô đã thể hiện đúng nghĩa với câu nói: đắt xắt ra miếng.
Những trận đầu tiên trên sân bóng tại Việt Nam, sức hút của Polina Rahimova còn ở mức trung bình và bản thân cô khi chưa thật sự quen với nhịp của bóng chuyền Việt Nam cùng lối đánh của G.Thái Bình thì đội bóng của HLV Trần Văn Giáp chưa có được sự tự tin nhất định. Họ để thua trực tiếp trước các đối thủ VTV Bình Điền Long An và Hóa chất Đức Giang HN ngay tại vòng bảng.
Tuy nhiên, càng chơi, chủ công trị giá hơn 1 tỉ đồng của bóng chuyền nữ Thái Bình càng thăng hoa phong độ và tay đập người Azerbaijan là đầu tầu ghi điểm nhiều nhất toàn đội để đưa đội bóng quê lúa giành chức vô địch sau 15 năm chờ đợi. Với vai trò ngoại binh ghi điểm chủ lục, ở tứ kết, Polina Rahimova khuất phục hàng chắn Bộ tư lệnh Thông tin để ghi 53 điểm. Trong bán kết, cô khiến hàng thủ VTV Bình Điền Long An không chống đỡ được và ghi 44 điểm. Tại chung kết, sự vượt trội của Polina Rahimova trước Moma Bassoko (Hóa chất Đức Giang HN) là thấy rõ và cô cũng tạo cho mình dấu ấn với hơn 30 điểm ghi được. Hẳn nhiên, những kết quả như vậy thì việc đầu tư để đưa tay đập có giá trị chuyên môn như Polina Rahimova cho bóng chuyền nữ Thái Bình.
Sau trận chung kết, tay đập người Azerbaijan không ngại chụp hình chung kỷ niệm với tất cả khán giả tới bắt tay và xin giao lưu. Cô kịp chia sẻ rất nhiều với báo giới Việt Nam và không quên cho biết “nếu còn cơ hội trở lại thi đấu, tôi vẫn sẵn lòng tới Việt Nam nhưng hãy cứ vui với chiến thắng này đã”.
Sự hiệu quả của ngoại binh như Polina Rahimova là một trong những động lực chính kéo khán giả Vĩnh Phúc tới chật cứng nhà thi đấu xem và cổ vũ bóng chuyền mỗi khi có đội bóng chuyền nữ G.Thái Bình thi đấu. Những tiếng “ồ”, “à” cùng các tràng pháo tay cổ vũ không nghớt khi tất cả chứng kiến Polina Rahimova nhảy phát bóng tấn công hay bật đà đập bóng hoặc cũng có thể chỉ là đứng một chỗ kịp giơ tay chắn bóng bởi cô có chiều cao 1m98 vượt trội.
Ở một câu chuyện khác, đồng hương Katerina Zhikova (Azerbaijan) của Polina Rahimova cũng là gương mặt rất được kỳ vọng làm nên chuyện và tạo một màu sắc mới cho chủ nhà nữ Vĩnh Phúc tại giải năm nay nhưng tiếc rằng cô không thành công. Để mời được tay đập này, nguồn tin của SGGP cho biết đội nữ Vĩnh Phúc chi trả khoảng 16.500 USD (gần 400 triệu đồng) mời sang Việt Nam thi đấu. Không kịp đủ thời gian tập làm quen trước với đồng đội, Katerina Zhikova vào sân ngay khi vừa đặt chân tới giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 còn đội nữ Vĩnh Phúc để lại một kỷ niệm buồn là thua tuyệt đối 7 trận, không thắng trận nào ở giải năm nay và xuống hạng A năm sau.
Trong 17 ngoại binh đã thi đấu giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022, ai hay ai dở thì chính khán giả là những người nhận xét công tâm nhất thông qua chuyên môn thể hiện của họ trên sân qua mỗi trận. Chắc chắn, cầu thủ chơi hay và hiệu quả là luôn được cổ vũ nhiệt tình. Sự khởi đầu trở lại của câu chuyện ngoại binh với giải vô địch quốc gia 2022 đã tạm khép lại. Có thể, khán giả vẫn còn cơ hội được xem ngoại binh thi đấu ở năm nay khi giải hạng A còn thi đấu vòng chung kết (tháng 10) và điều lệ có cho phép các đội bóng thuê VĐV ngoại tham dự.
Hệ thống “mắt thần” Video Challenge Eyes chỉ kịp lắp tại giải năm nay kể từ lượt thi đấu tứ kết và các đội bóng đã sử dụng tối đa những quyền khiếu nại của mình với việc xem lại hình ảnh này. Tỷ lệ thành công sau khi xem lại hình ảnh ghi chậm nhiều hơn so với việc khiếu nại không đúng đã cho thấy, công tác chuyên môn của trọng tài sẽ cần phải tăng cường nâng cao chuyên môn hơn nữa. Điều này chắc chắn các ban giám sát tại 2 bảng đấu và ban trọng tài sẽ làm việc. |
Polina Rahimova và Bùi Văn Quốc Duy (Tràng An Ninh Bình) được bầu chọn là VĐV tấn công hay nhất mùa giải 2022. Họ xứng đáng nhận được danh hiệu khi thể hiện chuyên môn qua mỗi trận đấu. Với lần thứ 2 liên tiếp nhận danh hiệu này, chủ công Bùi Văn Quốc Duy vẫn cho thấy nếu bóng chuyền quốc nội có được con người và đào tạo hiệu quả thì VĐV nội không thua kém cầu thủ ngoại. |