Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022: Các camera “mắt thần” chính thức lắp đặt tại nhà thi đấu của giải

Hệ thống các camera của công nghệ Video Challenge Eyes (còn được gọi là “mắt thần”) chính thức được lắp tại các điểm thi đấu ở Vĩnh Phúc và Ninh Bình tại giải vô địch quốc gia 2022.

hệ thống camera đã được lắp đặt ở giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
hệ thống camera đã được lắp đặt ở giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong ngày 12-7, các camera đã được lắp đặt để ban tổ chức giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 phục vụ cho công tác chuyên môn kể từ lượt đấu tứ kết trở đi. Hệ thống camera “mắt thần” cùng được lắp tại các điểm thi đấu ở Vĩnh Phúc và Ninh Bình.

Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết các chuyên gia kỹ thuật của Thái Lan là những người tới Việt Nam chuyển giao công nghệ về phần mềm hoạt động của hệ thống “mắt thần” này. Ban tổ chức giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 bố trí mỗi bảng đấu 2 nhân viên tham gia vận hành hệ thống trên và đều là những người đã được tập huấn về kỹ thuật.

Hệ thống “mắt thần” Video Challenge Eyes đưa vào giải bóng chuyền vô địch quốc gia nhằm hỗ trợ công tác điều hành của các trọng tài, qua đó giảm thiểu sai sót sau những tình huống tranh cãi từ trọng tài điều hành chính trên sân. SEA Games 31 vừa qua, hệ thống 16 camera đã được Liên đoàn bóng chuyền châu Á lắp tại nhà thi đấu Đại Yên (Quảng Ninh) để phục vụ cho Đại hội nhằm có những hình ảnh ghi lại các khoảnh khắc gây tranh cãi nhất.

Ban tổ chức giải bóng chuyền vô địch quốc gia mua 1 bộ thiết bị và thuê 1 bộ thiết bị từ nhà cung cấp do giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2022 tổ chức tại 2 địa điểm trong cùng một thời gian. Một bộ thiết bị đầy đủ của Video Challenge Eyes có giá thành từ 40.000-50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng), đồng thời cần thuê thêm phần mềm vận hành của nhà sản xuất (khoảng 7.000 USD/tháng). Kinh phí của bộ mua là do nhà tài trợ Hóa chất Đức Giang (đơn vị đang sở hữu đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang HN) chi trả và chủ động liên hệ mua về còn Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam bỏ chi phí thuê bộ còn lại.

Luật quy định rất cụ thể là mỗi đội có 2 lần sử dụng Video Challenge Eyes trong 1 hiệp thi đấu và nếu việc khiếu nại sai thì mất lần. Nếu khiếu nại đúng, số lần vẫn được bảo lưu.

Năm 2014, Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB) lần đầu tiên đã đưa Video Challenge Eyes vào thử nghiệm tại giải vô địch thế giới. Các kỳ Olympic gần nhất vào năm 2016 và 2020 tại Brazil và Nhật Bản thì FIVB có áp dụng phương tiện này ở giải đấu.

Các nhà thi đấu tại Vĩnh Phúc và Ninh Bình là những nơi tham gia phục vụ thi đấu SEA Games 31 vừa qua đồng thời có trang bị màn hình cỡ lớn trên khán đài chính nên thuận tiên cho việc xem lại các hình ảnh khi ban tổ chức sử dụng công nghệ “mắt thần”.

Tin cùng chuyên mục