Giấc mơ 64 năm của xứ chùa tháp

Với Vương quốc Campuchia, SEA Games 32 là “giấc mơ đã trở thành hiện thực”. Quốc gia này là một trong những thành viên sáng lập Liên đoàn Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP), tiền thân của SEA Games, hồi năm 1959. Campuchia đã từng nhận quyền đăng cai SEAP Games 1963 nhưng rồi bị hủy bỏ do tình hình chính trị vào thời điểm đó.
Giấc mơ 64 năm của xứ chùa tháp

Thời gian trôi qua và SEA Games ngày càng xa tầm với của đất nước xứ Chùa Tháp. Họ không có điều kiện vật chất nào để làm cơ sở đăng cai. Năm 2003, khi Việt Nam tưng bừng đăng cai SEA Games đầu tiên thì Campuchia chỉ mới lần đầu tổ chức một giải bóng đá quốc tế, đó là U20 Đông Nam Á. Ngay đến sân bóng đá quốc gia, 10 năm trước đây còn không đủ tiêu chuẩn FIFA. Không chỉ là cơ sở vật chất, mà tình hình chính trị cũng không cho phép quốc gia này tự tin đáp ứng các yêu cầu an ninh, an toàn. Đó cũng là lý do mà Campuchia chọn slogan “Thể thao - Sống trong hòa bình” cho SEA Games 32, nhằm nêu bật tầm quan trọng của hòa bình đối với sự chuyển mình đáng chú ý của Vương quốc, mà việc đăng cai SEA Games chính là điểm nhấn.

Vath Chamroeun, Tổng Thư ký của Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia (NOCC), nói: “Chúng tôi đã chờ đợi 64 năm để có cơ hội đăng cai SEA Games, nên đó là một giấc mơ trở thành sự thật, đối với cá nhân tôi và đất nước này. Cách tổ chức sự kiện như thế này sẽ thực sự đánh thức mọi người về tầm quan trọng của thể thao trong việc phát triển xã hội và nền kinh tế của một quốc gia, cũng như ý nghĩa của thể thao đối với di sản của dân tộc”.

Hồi cuối năm 2017, Thủ tướng Campuchia Hun Sen còn ngần ngại khi phê duyệt các kế hoạch ngân sách cho SEA Games dù Campuchia đã nhận quyền đăng cai từ năm 2015. Với hạ tầng gần như không có gì, việc đăng cai một sự kiện thể thao, dù chỉ ở tính chất khu vực như SEA Games, vẫn là một gánh nặng không nhỏ. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, phải tốn 200 triệu USD ngân sách để tổ chức SEA Games 32, chỉ riêng khu liên hợp thể thao quốc gia Morodok Techo ở Phnom Penh đã ngốn 160 triệu USD. Trên thực tế, đây không phải là số tiền quá lớn để làm mới mọi thứ, nhưng vẫn chiếm khoảng 0,74% GDP của Campuchia. Vậy mà đến giờ cuối, Vương quốc này “chơi lớn” bằng cách miễn phí bản quyền truyền hình, vé vào sân và chi phí ăn ở, đi lại cho các đoàn thể thao. Trong thông cáo phát đi, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh: “Chúng tôi không cần tiền đến từ việc bán vé hay bất kỳ quảng cáo nào tại Campuchia. Nhu cầu của chúng tôi lúc này không phải là tiền thu lại từ các quốc gia, mà chính là nhu cầu để thế giới biết đến Campuchia”.

Theo cách tính toán thông thường, cho dù có thu các loại phí, so với ngân sách bỏ ra cũng chẳng thấm vào đâu. Campuchia chưa có một tổ hợp thể thao quốc gia đủ quy mô, việc xây mới công trình này sẽ tạo động lực phát triển cho nền thể thao của họ, và không thể nói là chi phí xây dựng thuộc về SEA Games mà phải là khoản đầu tư lâu dài. Sau khi khánh thành, sân quốc gia mới Morodok Techo sẽ lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, chỉ sau sân Bukit Jalil (Malaysia, khoảng 110.000 chỗ) và gần gấp đôi sân Mỹ Đình (Việt Nam). Công bằng mà nói, không thể giải bài toán kinh doanh từ SEA Games nếu không cộng hưởng những tác động có lợi khác từ văn hóa, du lịch và thậm chí là vị thế quốc gia vào trong khoản đầu tư. Chính vì vậy mà quyết định “free all” (miễn phí mọi thứ) của Thủ tướng Hun Sen cũng được các đoàn thể thao hoan nghênh. SEA Games cũng sẽ được hưởng lợi, để các môn thi được phủ sóng nhiều hơn trong khu vực. Còn Campuchia, điều quan trọng là họ đã hoàn thành giấc mơ 64 năm của mình 

Tin cùng chuyên mục