Nói là định mệnh, nhưng thực tế thất bại của Messi trong màu áo Argentina có thể giải thích được. Từ trước đến nay, ban đầu Messi đóng vai trò “gánh team”, với vị thế ngôi sao của mình nhưng càng về sau này có vẻ như cả đội phải “gánh” Messi, tức là cố gắng giúp anh có danh hiệu lớn trong màu áo quốc gia.
Tiếc thay, cả 2 điều nói trên đều không hề tốt cho Argentina. Chưa bao giờ họ chơi bóng như một đội tuyển thực thụ, và Messi cũng chưa bao giờ thăng hoa như những gì anh đã làm trong màu áo Barca. Điều này được thấy rõ qua trận đấu mà “Argentina có Messi” thua “Brazil - không có Neymar”.
Bóng đá thời hiện đại luôn ưa chuộng các con số. Messi là siêu sao đương thời, là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử, nếu xét về khía cạnh cá nhân. Nhưng bảng thành tích trắng ở cấp độ đội tuyển là một áp lực khiến cho Messi không thể thành công. Trong sự nghiệp của mình tính đến nay, đã có đến 3 kỳ World Cup, 5 kỳ Copa America để Messi ghi dấu ấn với đất nước. Nhưng càng áp lực, thất bại lại đến nhanh hơn, không có dấu hiệu gì cho thấy Messi vượt qua áp lực đó.
Thế giới bóng đá đâu thiếu những vị vua không vương miện. “Thánh” Johan Cruyff hay “Đại bàng trắng” Puskas chẳng hạn. Họ không quan tâm đến các danh hiệu. Họ được khắc tên trong ngôi đền huyền thoại vì những thứ họ đem đến cho bóng đá. Tất cả đều khởi đầu bằng niềm vui, thứ chất liệu đơn sơ và căn bản nhất để tạc nên những huyền thoại bóng đá. Thế nên, Messi đã từng tuyên bố chia tay đội tuyển sau Copa Americia 2016 rồi trở lại, điều đó chẳng khác nào tự mang thêm cho mình một “chiếc gông áp lực”.
Dù rất khập khiễng để so sánh, nhưng chuyện của Messi khiến chúng ta cảm thấy lo lắng cho Công Phượng, một cầu thủ nhận được sự hâm mộ lớn ở Việt Nam.
Công Phượng không phải là một cầu thủ quá giỏi, có năng lực chuyên môn đủ sức “gánh team”, nhưng anh lại đang phải nhận áp lực rất lớn với tư cách là một cầu thủ được ăn học, đào tạo và phát triển trong môi trường ngoại quốc. Anh sang Nhật Bản, rồi Hàn Quốc. Dự định sang Pháp rồi lại chuyển đến Bỉ thi đấu.
Những chuyến đi ấy luôn mang theo những hy vọng về khả năng thành công của cầu thủ Việt ở nước ngoài. Vấn đề là trước và sau Phượng, có nhiều người đã đi và khi thất bại, họ trở về, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng Công Phượng bắt buộc phải đi tiếp, đó là một kiểu tự nhồi áp lực cho mình.
Nếu Messi không đá cho Argentina nữa thì anh vẫn là một huyền thoại của bóng đá thế giới. Sau Copa America, người yêu bóng đá vẫn chờ đợi anh chơi bóng với niềm vui trong màu áo Barca, như bao năm qua vẫn thế. Với Công Phượng cũng vậy. Có tên trong danh sách của một CLB Bỉ cũng đâu nói được tầm vóc hay tài năng nếu như anh không được chơi bóng thường xuyên.
Những điểm đến quốc tế có trong sự nghiệp của Công Phượng cũng chẳng giúp anh trở thành cầu thủ số 1 trong mắt của HLV đội tuyển Việt Nam nếu họ không thường nhìn anh thi đấu. Trong khi đó, nếu có thất bại và quay về Việt Nam chơi bóng, sự hâm mộ dành cho Công Phượng có lẽ cũng chẳng hề mất đi.