Sân chơi FI từ những ngày đầu tiên
Mái đầu đầy tóc bạc, gương mặt đầy trăn trở nghĩ suy. Đó là lý do ít ai sẽ “thấy” được tuổi thật của “Ông bầu” Phú Đặng (ông Đặng Hoàng Phú, sinh năm 1978, chính là người giữ lửa cho Giải đấu FI Futsal Championship suốt nhiều năm qua). Trong khi Giải Futsal Vô địch quốc gia vừa ít đi thêm 1 đội bóng, FI Futsal Championship đã bước sang tuổi 17 - và vẫn tạo ra sức hút khác biệt hàng năm với nhiều ngôi sao góp mặt - tham gia.
Ông Phú Đặng đã có chia sẻ: “Giải đấu ban đầu được tổ chức bởi những người anh BK 95 (Đại học Bách Khoa - Khóa 1995) và diễn ra ở cụm sân ngoài trời tại trường. Sau này, các anh có nhiều công việc nên giao lại cho tôi quản lý. Nhận thấy phong trào futsal đang phát triển mạnh, tôi quyết định dời vào tổ chức ở trong các Nhà thi đấu từ 2012 và giải đã diễn ra xuyên suốt thời gian qua, chỉ ngưng năm 2021 do dịch bệnh”.
FI Futsal Championship hiện không chỉ còn là một giải đấu futsal trong nhà đơn lẻ. Thương hiệu FI Futsal Championship đang sở hữu cả một hệ thống các giải đấu U như U17, U19, U21 - và cả U23 với mối quan hệ mật thiết và đan xen. Đây là mô hình hệ giải bóng đá phong trào rất cần được nhân rộng và phát triển.
Khó khăn và thách thức
Tính từ những ngày đầu thành lập, năm nay FI Futsal Championship đã bước sang tuổi 17. Nếu chỉ tính riêng những hoạt động từ sân trong nhà, giải đấu được thành hình từ năm 2012 cho đến tận hôm nay, trải qua quá trình 12 năm phát triển. Trong suốt quãng thời gian rất dài đó, ông Phú Đặng và các cộng sự đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và thách thức, mới có thể giữ lửa, duy trì giải đấu cho đến tận ngày hôm nay...
“Đó là những sự cố ngoài mong muốn chủ quan của BTC, nhưng nó đã xảy ra thì chúng tôi là người cầm trịch, và chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm. Như là chuyện các cầu thủ xô xát với nhau (chuyện thường thấy ở trong môi trường bóng đá, đặc biệt là với bóng đá phong trào), ngoài ý muốn của BTC. Báo chí đăng tải và khai thác những sự cố này khiến giải đấu bị hiểu sai về ý nghĩa, tạo ra không ít khó khăn”.
“Chúng tôi tổ chức giải phong trào, thiếu tính chính danh nên đã không nhận được hỗ trợ thật cần thiết, dù các anh bên Liên đoàn bóng đá TPHCM luôn ủng hộ giải đấu hàng năm. Nhưng quan trọng nhất, là khó khăn về tài chính. Kinh tế khó khăn, các ông bầu mệt mỏi với guồng quay cuộc sống, nên các giải đấu luôn đối mặt với các vấn đề tiền bạc - chi phí tổ chức duy trì giải đấu. Mình cố gói ghém mà làm thôi”, ông Phú Đặng chia sẻ.
Theo lời ông Phú Đặng, để tổ chức một giải futsal trong nhà, có quy mô khoảng 16 đội, kinh phí dao động trong khoảng từ 200 triệu - 300 triệu đồng. Để bù vào khoản chi này, BTC giải sẽ thu kinh phí tham dự của các đội tham dự giải, ngoài ra sẽ phải tìm kiếm (hay nói chính xác hơn là “đi xin”) các nhà tài trợ. Kinh tế khó khăn khiến các gói tài trợ nhỏ đi, nhưng BTC của FI Futsal Championship vẫn cố gắng duy trì giải hàng năm.
Giải đấu phát hiện tài năng
“Đến hẹn lại lên”, FI Futsal Championship 2024 - Lý Nguyễn Cúp sẽ khai diễn tại Nhà thi đấu Quận 12 vào cuối tuần này, mang lại một nét chấm phá - vừa mới vừa cũ nhưng vô cùng thú vị giữa thời điểm futsal chuyên nghiệp của Việt Nam đang trở nên rất ảm đạm dù Đội tuyển nữ vừa giành ngôi Vô địch Đông Nam Á. Đây là thời điểm các giải sân 7 tạm ngừng, các cầu phủi đang “quay đầu” tìm lại về sân chơi futsal trong nhà quen thuộc...
“Thật sự rất vui khi giải đấu năm nay chào đón những đội tưởng chừng đã giải tán và không còn hoạt động. Trong số đó có Quận 11, đội bóng futsal truyền thống và lịch sử đáng được tôn trọng của bóng đá sân 5 TPHCM. Ngoài ra, hiệu ứng của giải đấu rất ấn tượng, thu hút nhiều cầu thủ từng thành danh trên sân futsal, tỏa sáng trên sân 7, giờ đây quay trở lại sân chơi trong nhà trong màu áo nhiều đội khác nhau”.
“Ông bầu” Phú Đặng tiết lộ, FI Futsal Championship là mảnh đất đã sinh ra rất nhiều tài năng, sau này trở thành ngôi sao ở trong làng futsal và phủi sân 7 miền Nam. Có thể kể đến những cái tên như Nam nhóc, Hồng Kông... Cáp - hay Tuấn Vinh cũng là những cái tên đã từng góp mặt ở FI Futsal Championship từ “những ngày cũ thật xa xưa”. Từ sân chơi FI đi lên chuyên nghiệp thì có Thành Phát, Đinh Công Viên.
Trong trí nhớ của “Ông bầu” Phú Đặng, kỳ FI Futsal Championship 2022 vẫn là kỳ giải đáng nhớ nhất. Năm đó, nhu cầu hoạt động thể thao sau dịch tăng mạnh, các đội bóng quay trở lại rất đông, nhờ các ông bầu vẫn còn rất đam mê môn bóng đá 5 người trong nhà này, nên hỗ trợ chi phí rất nhiều. Chúng tôi cũng được Nhà thi đấu Tân Bình (nằm ngay trung tâm TPHCM) hỗ trợ rất nhiều cho giải đấu 2 năm về trước...
Trăn trở về futsal
Rõ ràng là, FI Futsal Championship có tất cả những nguồn lực mà bất kỳ giải bóng đá phong trào nào cũng phải mong ước. Nhưng đến lúc này, giải đấu vẫn hoạt động một cách động lập trong tay những con người nghiệp dư nhưng luôn luôn tâm huyết và suy nghĩ mọi thứ cho sự phát triển futsal nói chung. Không chỉ với giải đấu, ông Phú Đặng còn có nhiều chia sẻ khác về bóng đá futsal Việt Nam nói chung...
“Futsal đã gắn liền với bản thân tôi rất lâu, và trong đó, tôi nhìn thấy những hoạt động tích cực và có ích với cộng đồng. Ví dụ như, việc tổ chức các giải FI Futsal Championship đơn thuần khiến tôi có ý tưởng tổ chức các hệ giải U trẻ, tạo điều kiện cho các bạn trẻ đam mê bóng đá ở trong nhà có sân chơi và được nhiều đội bóng hàng đầu để ý đến và tuyển mộ, mở ra một cánh cửa mới trong cuộc đời của các bạn trẻ này”.
Ở thời điểm hiện tại, khi Giải Vô địch quốc gia lại thiếu đi thêm một đội bóng nữa, người ta nói phong trào futsal đang suy thoái. Ông Phú Đặng đã có những chia sẻ về vấn đề này: “Đầu tiên và trước mắt, đó là ảnh hưởng của kinh tế khó khăn. Thứ hai là, trình độ chuyên môn của một số đội bóng đang xuống rất thấp. Trong khi đó, các đối thủ của họ lại cực mạnh, dẫn đến sự chênh lệch và đẳng cấp và năng lực”.
“Do đó, tính cạnh tranh giành huy chương - thành tích với các đội bóng không còn, dẫn đến không còn động lực và khát khao, các doanh nghiệp cũng dần rút lui và khiến các đội bóng phải giải tán. Nhìn chung, nền futsal của chúng ta vẫn chưa chuyên nghiệp vẫn nằm khoảng phong trào rất là nhiều. Đào tạo trẻ chỉ có Thái Sơn Nam, khoảng 20 cầu thủ. Số lượng như vậy không đủ để đáp ứng cho các đội bóng đang tham dự VĐQG”.
“Do vậy, nguồn cung cho các đội futsal chuyên nghiệp đa phần chỉ từ bóng đá phong trào. Có thể đơn cử một trường hợp là: Sea Collection tham gia giải đấu hồi năm 2016. Sau giải, có 5-6 cầu thủ của đội bóng này được Tân Hiệp Hưng, Sahako... tuyển về. Đó là minh chứng rõ nhất và đến giờ vẫn đúng đắn: Futsal chuyên nghiệp Việt Nam tuyển nhân lực từ phong trào. Mà hiện tại, phong trào futsal đang rất yếu, do đam mê đang dịch chuyển sang sân 7”.
“Vì như vậy, các CLB futsal chuyên nghiệp đang rất thiếu nguồn cung cầu thủ để duy trì sức mạnh và chất lượng của đội bóng. Các đội bóng ở tỉnh như chúng ta đã thấy, giờ không còn lực lượng kế thừa, rồi không còn cả khả năng cạnh tranh thành tích, không còn khát khao và khó khăn về tài chính, thế nên họ quyết định rút khỏi cuộc chơi là điều hoàn toàn dễ hiểu”, ông Phú Đặng giải thích tình hình futsal hiện tại.
*FI Futsal Championship 2024 sẽ khép lại một năm đáng nhớ với phong trào futsal TPHCM. Với ông Phú Đặng, tương lai từ 2025 sẽ là một vận hội mới. “Ông bầu tóc bạc” đang có khát khao tổ chức một giải đấu futsal lớn dành cho các đội bóng chuyên nghiệp, hoặc là các đội có khả năng cạnh tranh với các đội chuyên nghiệp tham gia, “nếu có duyên” và có đủ kinh phí. Còn lại, sân chơi FI vẫn sẽ diễn ra với hệ giải thông thường, 2-3 giải chính và các giải U...