Fernando Redondo: Chất huyền ảo bên trong người nghệ sĩ

Giống những tiền vệ tài hoa khác mà bóng đá Nam Mỹ từng sản sinh, sự lãng tử và tinh tế trong cách chơi bóng biến Fernando Redondo như nghệ sĩ trên sân khấu đích thực. Nhưng sâu xa hơn, Redondo còn có “chất huyền ảo” dị biệt để nổi bật lên đầu tiên trong số những tiền vệ người Argentina và Real Madrid tính từ giai đoạn 1994 trở lại đây.
Redondo trong màu áo Real
Redondo trong màu áo Real

Nói về văn học huyền ảo Nam Mỹ thế kỷ XX, chắc hẳn không ai sánh được với Jorge Luis Borge. Nhà văn người Argentina được biết đến như cha đẻ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong nguyên bản sáng tác chính mình. Borge từng nói: “Tôi thường xuyên canh tác trên một loại văn học ma quái. Nhưng đặc tính ma quái ấy không có nghĩa là tuỳ tiện, không một thứ văn học nào là tuỳ tiện cả.” Để rồi khi mất, Borge vẫn độc nhất vô nhị trong phong cách văn học hiện thực huyền ảo, mà đến nay nền văn chương Argentina cũng như Nam Mỹ chưa tìm ra người thứ hai.

Cùng đóng góp vào giá trị chung nghệ thuật cho đất nước Argentina. Nếu Borge làm nên tầm huyền thoại trong văn học với phong cách hiện thực huyền ảo, Redondo cũng không khác khi mang phong cách chơi bóng huyền ảo chẳng kém, mà không tiền vệ Argentina cũng như Real nào từng sở hữu trong ba thập kỷ trở lại đây. Phong cách Redondo là độc nhất từ vóc dáng bên ngoài, đến độ lịch lãm sang trọng lãng tử như thơ ca trên sân.

Những năm gần đây, khi Real gặt hái thành công với danh hiệu cao quý mang đậm đóng góp từ hàng tiền vệ. Người ta vẫn lật lại câu hỏi với khá nặng chất so sánh, liệu ai là một trong những tiền vệ hào hoa nhất Los Blancos từng sở hữu. Người cho rằng đó là Zinedine Zidane - một sự hiển nhiên và tấm gương bất hủ. Kẻ chọn Guti mang khả năng lợi hại như có “mắt” sau lưng để tôn lên tài năng bằng những pha đánh gót. Nhưng tất cả… không thể nào che lấp nổi cái “bóng” quá lớn từ “Thiên nga trắng” Redondo với những năm tháng miệt mài vì màu áo Real.

Ngày 19-4-2000, có lẽ là ngày mà chẳng Manucian hay Madridista nào quên. Ngày đó, với nguồn cảm hứng mang tên đội trưởng Redondo, Real đã loại Man.United khỏi tứ kết Champions League. Phút 52, Redondo có pha đi bóng qua hàng loạt cầu thủ bên cánh trái, Henning Berg đuổi theo sau lưng. Trước vòng vây số đông đối phương, có vẻ như tiền vệ người Argentina đã đi vào ngõ cụt, rồi bỗng nhiên trong khoảnh khắc cá nhân vụt sáng, Redondo đánh gót đưa bóng đi theo một đường chéo qua 2 chân hậu vệ Man.United, xoay người vượt qua Berg và lấy lại bóng chỉ vài centimet trước khi lăn ra khỏi sân. Redondo đi bóng thêm vài nhịp về phía khung thành Man.United trước khi chuyền ngang để Raul đệm nhẹ nâng tỉ số lên 3-0 cho Real. Old Trafford bối cảnh ấy như Nhà hát đang diễn tuồng bi lụy khi bầu không khí lặng ngắt đêm Đông.

Bất chấp nỗ lực đầy quả cảm từ Quỷ đỏ để lật người tình thế với nhân tố mang tên David Beckham, pha đánh gót đầy kì dị của Redondo đã xua tan mọi hy vọng từ Alex Ferguson và các học trò. Để rồi nhận thất bại chung cuộc 2-3 đành bị loại, Alex Ferguson cay đắng nói: “Redondo mang giày hiệu gì? Cậu ấy phải có nam châm trong đôi giày của mình, cậu ấy thật tuyệt vời. Cậu ấy đã có một trong những trận đấu xuất sắc. Mỗi lần chúng tôi tấn công là bóng bị văng ra khỏi vòng cấm của Real rồi lại nằm dưới chân Redondo. Thật không thể tin được.”

Nhiều năm sau đó, hậu vệ Ivan Helguera hồi tưởng lại mọi thứ với tâm trạng còn chút bàng hoàng khi thừa nhận Real bước vào trận không đủ tự tin: “Thực tế chúng tôi đã khá sợ hãi trong trận đấu đó.” Cũng phải, Real lúc đó đang vật lộn ở La Liga trong khi Man.United bay cao ở Premier League khi vừa hủy diệt West Ham 7-1 vào cuối tuần trước trận lượt đi. Một bên đang tận cùng đáy phong độ, bên còn lại cao chót vót. Bất kể đội nào khi đặt vào bối cảnh đó cũng đều cảm thấy ái ngại. Ấy vậy, Real đã vượt qua nhờ vào sự dẫn dắt đầy bản lĩnh cùng nghệ thuật của Redondo trên sân.

Vài ngày sau thất bại của Man.United, báo chí Anh đồng loạt phân tích nguyên nhân chính khiến Quỷ đỏ rời giải với tư cách nhà ĐKVĐ Champions League mùa trước. Mấu chốt không nằm ở gì khác ngoài sự coi thường đối phương, và chút lơ đãng dành cho Redondo. Nghe hơi thần thánh hóa Redondo, nhưng đối chiếu lại cũng không thừa.

Ở trận lượt đi, phóng viên Amy Lawrence của The Guardian miêu tả Redondo có phong cách chơi bóng bốc đồng, không chịu khuất phục và đầy cục súc mỗi khi đứng trên sân. Nhận định chẳng “lọt tai” cho những ai yêu mến “Thiên nga trắng”, lại vô tình cần trong công thức giúp Redondo tỏa sáng trước Man.United. Thử hỏi, nếu không có bản năng không chịu khuất phục đó, làm gì Redondo vực dậy được Real đang ngập ngụa trong khó khăn để đánh bại Man.United? Thử hỏi nếu không có khí chất đó, làm sao Redondo xứng đáng với tấm băng đội trưởng mang trên tay cùng nhận định “kiến trúc sư” cho thành công của Real mùa 1999-2000?

Với một số người, đấy được xem như “mảng đen” đức tính không phù hợp phong cách thi đấu nghệ sĩ tao nhã từ Redondo. Nhưng cái hay, Redondo biết lấy nét đẹp của phóng thái quý tộc lịch thiệp để “che đậy” đi sự mạnh mẽ cục súc ấy. Mường tượng, nó cũng giống như cách mà người ta chỉ nhìn thấy vẻ đẹp mê hồn từ nụ cười của nàng Mona Lisa trong tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci, chứ đâu biết bên trong đó còn khối chi tiết phức tạp.

Redondo có khối chi tiết phức tạp cho phong cách chơi bóng riêng mình, cái hay là không được “Thiên nga trắng” thể hiện thô lỗ ra bên ngoài. Đấy như sự tổng hợp mà nói như nhà văn Borge là Redondo cũng “luôn canh tác trong những trận cầu ma quái” theo đúng chuẩn phong thái riêng.

Chuẩn phong thái đó, khiến cho Redondo thành công trên nơi mà trước đó Edgar Davids và Zidane đã thất bại cùng Juventus. Chuẩn phong thái đó, khiến cho Roy Keane luôn “hổ báo” ngày nào trong những trận đấu trở nên nhỏ bé tầm thường trước màn trình diễn từ Redondo. Chuẩn phong thái đó, mà nói như Raimond van der Gouw - thủ thành của Man.United trong đêm bi kịch tại Nhà hát những giấc mơ như “đòn chí mạng giết chết” Berg.

Một lát cắt nhỏ từ trận lượt tứ kết với Man.United đã khái quát lên đủ tầm huyền thoại của Redondo trong những năm tháng vàng son cùng Real. Sau này, người ta lại phát hiện thêm Redondo còn nổi bật trong phóng cách chơi bóng nghệ thuật mang tên “La Pausa”. Ngay từ lúc còn trong màu áo đội trẻ Argentinos Juniors, Redondo đã hình thành cho mình cách chơi bóng nghệ thuật này.

Ngày đó cũng giống như Diego Maradona, Redondo rất thần tượng huyền thoại Ricardo Bochini. Trong cách chơi của Bochini, ông rất giỏi dùng kỹ năng La Pausa. Trên nguyên tắc dùng La Pausa là các tiền vệ công đứng giữa đội hình. Họ thường lùi lại một chút để nhận bóng và khi có bóng, họ bỗng... dừng hẳn. Khoảng dừng đột ngột với bóng trong chân ấy chính là “La Pausa”. Mê Bochini từ nhỏ, nên Redondo học điều này rất nhanh. Sau này khi giải thích về La Pausa trong cách chơi bóng của Redondo, Bochini có nói: “Tôi nhìn thấy có 2 phương pháp chơi La Pausa là với quả bóng đi nhanh hoặc đi chậm. Việc đầu tiên, tạm dừng tốc độ quả bóng, đó là một sự mặc khải tổng thể khiến cho đối phương bất ngờ không hề hay biết. Thứ hai, đôi khi bạn đi bóng nhanh với quả bóng trong chân, và chờ đợi đội nhanh theo tốc độ như vậy vào vị trí trước khi thực hiện đường chuyền. Anh ấy có thể làm được cả hai cách đó.”

Đối chiếu lại ngày nay, trong đội hình Barcelona chỉ Andres Iniesta là thường xuyên dùng tuyệt kỹ này. La Pausa có thể coi là đặc sản riêng của những sản phẩm từ lò La Masia được định hình trong triết lý Johan Cruyff. Nhưng đặt trên cái nền nghệ thuật chơi bóng của Redondo với tuyệt kỹ La Pausa, rõ ràng Iniesta cũng chẳng là cái “đinh” gì cả. Tại sao? Bởi Iniesta là tiền vệ công có thể chơi La Pausa là bình thường. Và cũng bởi Iniesta đã được tạo dựng môi trường quen thuộc nhằm thực hiện kỹ năng đó.

Nhưng trong sơ đồ Del Bosque thời điểm ấy, Redondo là tiền vệ thủ nhưng lại áp dụng được tuyệt kỹ này, rõ ràng đẳng cấp “Thiên nga trắng” sẽ không có mỹ từ nào để diễn tả thêm. “Tôi bị quyến rũ bởi Redondo, cậu ấy là sự hoàn hảo về mặt chiến thuật với phong cách chơi đầy huyền ảo,” Fabio Capello từng nói.

65 năm miệt mài trong con đường sáng tác văn học nhằm để lại cho hậu thế những tác phẩm để đời, Borges chưa một lần đoạt giải Nobel Văn học. Nhưng nhà văn huyền thoại người Argentina cũng từng nói: “Không cấp giải thưởng Nobel cho tôi đã trở thành truyền thống của Scandinavia.” Borges khả kiến tiếc nuối cho điều đó, nhưng có lẽ không cần khi ông đã có “Nobel” giá trị hơn trong lòng độc giả, để đến bây giờ, vị trí của ông mãi mãi bất hủ.

Tương tự, Redondo cũng không có cho mình “Nobel bóng đá” – Quả bóng vàng – nào trong những năm tháng đỉnh cao. Song, thứ tình cảm mà các madridista dành cho “Thiên nga trắng” còn hơn thế nữa. Để sau này khi gợi nhớ lại hoài niệm, họ vẫn tự hào trên mặt cỏ Bernabeu giai đoạn 1994-2000 có một nghệ sĩ mang phong chơi bóng huyền ảo đã đặt mình vào vị trí tiên phong độc nhất mà đến tận bây giờ, Real vẫn chưa tìm được người thứ hai như Redondo. Và cũng tận bây giờ, bóng đá Argentina cứ khắc khoải tìm kiếm “Thiên nga trắng” phiên bản mới nơi tuyến giữa nhằm hy vọng một kỳ World Cup 2018 thành công.

Buồn thay, nghệ thuật cho ta những cảm xúc cao trào rồi cũng lấy đi ở ta những tiếc nuối!

Tin cùng chuyên mục