Nếu xét về hiệu quả, thì việc kết thúc lượt đi với 8 trận thắng có thể xem là thành công của đại diện bóng đá TPHCM. Theo thống kê, chỉ cần thắng từ 14 trận là có thể nghĩ đến chức vô địch. Như vậy, TPHCM hiện đang hoàn thành quá nửa mục tiêu. Tuy nhiên, lịch sử của V-League cũng từng chứng kiến có đội thắng đến 9 trận ở lượt đi nhưng suốt 13 trận lượt về chỉ thắng thêm được 4 trận nữa, cuối giải xếp ở vị trí thứ 6. Trong khi đó, phong độ của TPHCM có dấu hiệu sa sút sau khi đã cố gắng vượt giới hạn ở giai đoạn đầu mùa. Tình hình kém cỏi này có thể kéo dài sang đến lượt về sẽ bắt đầu từ cuối tháng này.
Sự chậm lại của TPHCM là một dấu hỏi của V-League. Hóa ra, giải đấu chỉ có 26 vòng đấu của Việt Nam tưởng là dễ vô địch nhưng lại vô cùng khó khăn với đa số đội bóng. Sau lượt đi mùa này, nhìn lại bảng xếp hạng, hầu như không thấy ai có khả năng đua tranh cùng nhà ĐKVĐ Hà Nội, ngoài TPHCM. Một giải đấu có đến 14 đội nhưng quá ít đội có khả năng vô địch thì rất khó tạo ra sự hấp dẫn đột biến. Hơn nữa, mùa này Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn về lực lượng cũng như cảm hứng thi đấu, nhưng việc duy trì sự có mặt trong tốp 3 từ đầu giải đến nay cho thấy sự vượt trội của họ về tiềm lực, nhất là ở các cuộc đua đường dài như V-League.
Cũng cần phải nhắc lại: Từ khi có mặt ở V-League năm 2009 đến nay, chưa bao giờ đội bóng của bầu Hiển rơi ra khỏi tốp 3 cuối mùa. Họ 4 lần vô địch, 3 lần về nhì. Sự thống trị gần như tuyệt đối. Trong 10 năm đó, cũng không có đội bóng nào cung cấp tuyển thủ quốc gia nhiều hơn Hà Nội. Nhắc đến các con số trên không phải để tôn vinh sức mạnh của đội bóng thủ đô, mà để thấy thực trạng bất ổn của V-League. Nếu giải đấu số 1 của một quốc gia có 100 triệu dân nhưng chỉ có 1 đội bóng, 1 ông bầu thực sự đầu tư căn cơ, dài hạn thì lấy cơ sở nào để tin rằng nền bóng đá đó sẽ vươn tầm châu Á. Đành rằng Hà Nội rất mạnh, nhưng cũng cần phải trách những đội bóng khác làm bóng đá kiểu thời vụ, hoặc “được chăng hay chớ”, thiếu hẳn đầu tư để đua tranh tham vọng. Thay vì nghi ngờ bầu Hiển có rất nhiều đội bóng nên “thao túng” V-League thì nên đặt câu hỏi ngược lại: không có các đội bóng của bầu Hiển thì liệu V-League về đâu? Cần lưu ý là hơn 50% tuyển thủ quốc gia và U23 hiện nay đến từ các đội bóng ấy.
Công bằng mà nói, V-League cần một nhà vô địch mới để tạo động lực, Hà Nội cần có một đối thủ chia sẻ tham vọng và HLV Park Hang-seo cũng cần có những cầu thủ mới để giảm tải cho dàn tuyển thủ đến từ Hà Nội mà ông buộc phải “vắt kiệt” sức lực của họ do không tìm được người thay thế. Nhưng có vẻ như, mùa bóng 2019 lại một lần nữa vào tầm kiểm soát của nhà vô địch khi những “chiến mã” khác bắt đầu mỏi mệt trên cuộc đua đường dài về đầu tư bóng đá.