Buổi làm việc cuối tuần qua tại Tổng cục TDTT, ông Szabo Bence - Đại sứ thể thao Hungary, Giám đốc ngôi nhà Hungary tại Olympic Paris 2024 là trưởng đoàn – đã có những trao đổi chia sẻ cùng lãnh đạo ngành thể thao của Việt Nam.
Phía bạn đã trao đổi và cam kết một năm, Hungary sẽ trao 200 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam tới Hungary học tập tại các trường đại học trong đó có chuyên ngành về TDTT. Đồng thời, Ủy ban Olympic Hungary sẽ dành 3 suất miễn phí đào tạo, sinh hoạt (kéo dài nhiều năm) đối với 3 cầu thủ trẻ ở lứa tuổi 13 tới 14 của môn bóng đá. Quỹ tài chính của phía Hungary là đơn vị đài thọ chi phí về đào tạo chuyên môn, học tập, điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho 3 cầu thủ này cho tới tuổi trưởng thành để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp rồi quay về Việt Nam thi đấu.
Trước đó, Tổng Giám đốc Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội thể thao dưới nước quốc tế (FINA) – ông Husain AHZ Almusallam đã làm việc tại Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Ủy ban Olympic Việt Nam đầu tháng 3 và cam kết trao 4 suất tặng cho bơi Việt Nam cử đi tập huấn tại quốc gia phát triển về môn này. FINA là nơi hỗ trợ toàn bộ kinh phí của chương trình trên. Đồng thời, FINA sẽ cử chuyên gia tới Việt Nam giảng dạy các khóa học cho HLV cũng như tư vấn về công tác huấn luyện...
Cuối tháng 1 năm nay, đại diện Quỹ chiến lược thể thao quốc tế trong chương trình làm việc cùng đại diện Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ở Việt Nam đã cam kết về gói hỗ trợ toàn bộ kinh phí nhằm lựa chọn 100 VĐV xuất sắc ở những môn mà Hàn Quốc có thế mạnh từ đó đào tạo tại Việt Nam. Cùng với đó, đối tác tới từ Hàn Quốc cho biết sẽ tuyển chọn các VĐV xuất sắc nhất trong số này và đưa sang Hàn Quốc đào tạo dưới sự dẫn dắt của các HLV có chuyên môn ở chương trình huấn luyện của phía bạn.
Tất cả những thông tin ấy, những cam kết đó đều mở ra một niềm tin về chương trình đào tạo thuận lợi cho thể thao Việt Nam mà ở đây cụ thể là HLV, VĐV trong các môn. Thế nhưng, chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế, khi đã có những cam kết như vậy, ngành thể thao Việt Nam cùng đối tác sẽ thực hiện như thế nào để cụ thể hóa kế hoạch từ bàn giấy thành hành động và VĐV được ra nước ngoài tập huấn theo các chương trình hỗ trợ như thế.
Chỉ riêng môn bơi, lựa chọn 4 gương mặt có triển vọng phát triển lâu dài và đi nước ngoài tập dài hạn là không khó. Và, khi có quyết định và chủ trương cụ thể, nhà quản lý môn bơi (bộ môn bơi – Tổng cục TDTT; Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam) mới có cơ sở tuyển chọn. Chúng ta từng có trường hợp Nguyễn Thị Ánh Viên được cử tập huấn dài hạn ở nước ngoài và kinh phí khi đó đã có sự chung tay từ đơn vị chủ quản Quân đội với Tổng cục TDTT và khá tốn kém. Đại diện của FINA đã hứa trao 4 suất và đài thọ toàn bộ kinh phí nhưng ở thời gian bao lâu và cụ thể tập huấn ở đâu sẽ là bài toán mà bơi Việt Nam phân tích để cụ thể hóa tốt nhất.
Đại diện Ủy ban Olympic Hungary đã làm việc tại Tổng cục TDTT cuối tuần qua. Ảnh: TCTDTT |
Hay với trường hợp đối tác của Hungary đưa ra lời cam kết giành 3 suất đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ, chắc chắn Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ lựa chọn được con người để cử đi. Tuy thế, như nhiều chương trình trước đây, chúng ta cần tính khả thi và khả dụng từ phía đài thọ cho tới nơi tập luyện chuyên môn phù hợp nhất. Còn với chương trình về hỗ trợ 100 VĐV có cơ hội tập huấn, tập luyện tại Hàn Quốc hay không sẽ phải chờ vào tính thực thi của chương trình. Lúc này, tất cả các đội tuyển thể thao quốc gia đang tập trung cho SEA Games 32 rồi vòng loại Olympic và ASIAD nhưng chúng ta vẫn chưa thấy thời điểm nào sẽ chọn được 100 gương mặt hay khi nào sẽ thực hiện tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc...