Thống kê cho thấy từ đầu năm 2018 đến nay Thái Lan đã vất vả trong cuộc đuổi bắt với bóng đá Việt Nam. Khởi đầu là chiến thắng 2-1 của đội U23 Việt Nam tại giải M-150 trên đất Thái, khởi đầu cho chiến tích Á quân tại VCK U23 châu Á ở Thường Châu diễn ra không lâu sau đó. Các cầu thủ U23 còn gặp Thái Lan 2 lần sau đó với kết quả hòa 2-2 ở SEA Games 2019 và thắng 4-0 ở vòng loại U23 châu Á 2020.
Còn ở cấp đội tuyển, Việt Nam thắng Thái Lan 1-0 ở King’s Cup trước khi hòa 0-0 ở cả 2 lượt đi và về tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Với lịch sử đối đầu như trên, sức ép tâm lý đang ở bên phía đội tuyển Thái Lan thay vì những lo ngại không đáng có dành cho thầy trò đội tuyển Việt Nam lúc này.
Không chỉ hơn trong đối đầu mà ngay thời điểm hiện tại, Việt Nam không chỉ nhập cuộc với vị thế nhà ĐKVĐ và còn là đại diện duy nhất của Đông Nam Á tham dự vòng loại cuối World Cup 2022. Chúng ta đã có được sự ổn định về thành tích, sự ổn định cả ở lực lượng với bộ khung chủ lực cùng sự dự phòng hùng hậu ở ghế dự bị. Thời điểm hiện nay, HLV Park Hang-seo dù còn tiếc cho sự vắng mặt của Hùng Dũng, Trọng Hoàng nhưng với dàn lực lượng này, ông đang có nhiều lựa chọn ở đội hình thi đấu.
Tính hấp dẫn ở vòng bán kết là thi đấu theo thể thức đá hai lượt, nghĩa là vẫn có cơ hội để sửa sai. Nhưng trên hết, từ vòng đấu này các tuyển thủ của Việt Nam mới có cơ hội thể hiện bản lĩnh của nhà vô địch. Hẳn nhiên, gặp đối thủ mạnh như Thái Lan ở Bán kết sẽ làm chúng ta mất nhiều sức nếu vượt qua được để tiến vào trận tranh chung kết, thay vì gặp Singapore sớm hơn. Vì thế, có khi chính Thái Lan mới lo ngại khi gặp Việt Nam sớm hơn so với tính toán của họ?