Đội tuyển bóng chuyền nữ đủ sức tìm được nhà tài trợ cho riêng mình?

Bóng chuyền nữ đang thăng hoa với những giải đấu quốc tế từ đầu năm 2023 tới nay. Thế nhưng phải sòng phẳng nhìn nhận với nhau rằng, các nguồn tài trợ cho bóng chuyền nữ vẫn ít hoặc có nhưng không lớn cũng như các thương hiệu chưa mặn mà thuê cầu thủ làm đại diện hình ảnh.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang có hình ảnh rất tốt nhưng vẫn chưa có nhiều nhà tài trợ riêng cho đội tuyển. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang có hình ảnh rất tốt nhưng vẫn chưa có nhiều nhà tài trợ riêng cho đội tuyển. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cầu thủ vẫn chỉ trông vào lương

Huỳnh Như đang trở thành một trong những cầu thủ bóng đá nữ hay VĐV nữ của Việt Nam được thế giới biết tới nhiều nhất. Từ việc đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành được suất chính thức dự FIFA Women’s World Cup 2023, Huỳnh Như là cầu thủ đã có hợp đồng quảng cáo quan trọng là gương mặt chính thức của Visa tại thị trường Việt Nam. Chưa kể, cô được nhãn hàng Coca Cola mời quay hình ảnh cho FIFA Women’s World Cup 2023. Ngoài ra, Huỳnh Như còn đang thi đấu tại Bồ Đào Nha.

Đó là một ví dụ để bóng chuyền Việt Nam học tập. Bóng chuyền nữ Việt Nam đã thăng hoa và vô địch cúp các câu lạc bộ nữ châu Á 2023, AVC Challenge Cup 2023 để lần lượt giành suất dự cúp các câu lạc bộ nữ thế giới 2023 và FIVB Challenge Cup 2023 (của Liên đoàn bóng chuyền thế giới – FIVB). Ngoài ra, đội tuyển còn có HCB SEA Games 32. Từ nay tới cuối năm, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam còn dự vô địch châu Á 2023, ASEAN Grand Prix 2023... Thực tế, chưa tay đập nào được nhãn hàng kết nối kí hợp đồng quảng cáo hoặc đề xuất sự gắn kết riêng. Xa hơn, chưa trường hợp cụ thể nào được một đội bóng bên ngoài mời ra nước ngoài thi đấu (trừ chủ công Thanh Thúy).

Thông tin từng cho biết đội Nakhon Ratchasima (Thái Lan) đánh tiếng thuê Hoàng Thị Kiều Trinh và Phạm Thị Nguyệt Anh. Tuy nhiên, tất cả mới là trạng thái trao đổi bằng miệng, không có văn bản chính thức chuyển nhượng. Người duy nhất có hợp đồng đấu dài hạn nước ngoài đang là Trần Thị Thanh Thúy (cô đấu cho đội PFU Bluecats – Nhật Bản). Mặc dù vậy, Thúy cũng chưa có hợp đồng quảng cáo riêng từ các thương hiệu.

Trong thể thao chuyên nghiệp, hợp đồng quảng cáo là một trong những nguồn thu quan trọng cho VĐV đi cùng lương, các chế độ ở hợp đồng thi đấu chuyên môn. Lúc này, 17/18 cầu thủ đội bóng chuyền nữ Việt Nam đang tập và thi đấu, phát triển chuyên môn trong nước. Họ nếu được nhãn hàng ký quảng cáo sẽ là điều bất ngờ và người trong giới không khỏi bàn luận. Vì vậy, tất cả chỉ có thu nhập từ lương của đơn vị chủ quản. Lương cầu thủ bóng chuyền không bao giờ được tiết lộ cụ thể. Đó là thông tin nhạy cảm. Mỗi đội mỗi khác. Tại Việt Nam, qua tìm hiểu, có đội bóng lương cao thì cầu thủ được nhận 30 triệu đồng/tháng nhưng phần lớn đội hoạt động bằng kinh phí nhà nước, lương cầu thủ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

Nhà tài trợ riêng cho đội tuyển

Hiện tại, đội bóng chuyền nam và đội bóng chuyền nữ Việt Nam không có nhà tài trợ riêng. Liên đoàn bóng đá là một trong những Liên đoàn thể thao tiên phong trong việc vận động tài trợ tốt từ đó tìm được nhiều nhà tài trợ tài trợ riêng cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Đội tuyển bóng đá nữ có nhà tài trợ riêng, đội tuyển bóng đá nam có nhà tài trợ riêng. Bóng chuyền chưa được như vậy

Bóng chuyền là tự hào có sức hút đông đảo sau bóng đá, tại thị trường Việt Nam. Các đội tuyển bóng chuyền quốc gia chưa tìm được nhà tài trợ riêng (tính tới lúc này). Gần nhất là tháng 4 năm nay, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự cúp các câu lạc bộ nữ châu Á 2023 (với tên gọi Sport Center 1) và được một trường Đại học tài trợ trực tiếp. Việc tài trợ có kí kết trước truyền thông nhưng trị giá không được tiết lộ. Giới chuyên môn từng chia sẻ, con số là 300 triệu đồng.

Thanh Thúy là cầu thủ duy nhất của Việt Nam đang thi đấu tại nước ngoài nhưng cô vẫn chưa có được các nhãn hàng kí kết riêng làm gương mặt hình ảnh. Ảnh: D.P

Thanh Thúy là cầu thủ duy nhất của Việt Nam đang thi đấu tại nước ngoài nhưng cô vẫn chưa có được các nhãn hàng kí kết riêng làm gương mặt hình ảnh. Ảnh: D.P

Bóng chuyền thoáng hơn bóng đá, là nhà tài trợ được xuất hiện trên trang phục thi đấu của đội tuyển quốc gia (trừ cấp Đại hội). Chính thế, các đội tuyển bóng chuyền của các quốc gia tận dụng tối đa khả năng tìm nhà tài trợ, qua đó in trên áo đấu. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam và đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam có người hâm mộ đáng kể tại Việt Nam nhưng vì sao vẫn khó tìm được nhà tài trợ riêng còn là dấu hỏi chưa thể lý giải.

Sau mỗi giải, thu nhập chính của cầu thủ là thưởng của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam hoặc thưởng của nhà nước (theo cấp độ giải quy định) và đây là nguồn chính đáng. Một số mạnh thường quân đã tặng đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vài trăm triệu đồng sau cúp các câu lạc bộ nữ châu Á 2023 hay AVC Challenge Cup 2023. Đây là điều đáng trân trọng. Dù thế, chúng ta muốn nhiều hơn cho HLV, cầu thủ vì họ đang ở trong môi trường thể thao chuyên nghiệp, kinh tế thể thao cần phải mạnh mẽ. Người làm bóng chuyền chuyên nghiệp cần hơn lộ trình tìm nguồn lực dài lâu và có nguồn tài trợ hiệu quả, bán được bản quyền truyền hình với phí cao do hình ảnh bóng chuyền nữ đang tạo được sức hút. Làm được điều ấy, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam giải được một phần bài toán kinh tế thể thao cho bóng chuyền nói riêng.

Tin cùng chuyên mục