Điền kinh Việt Nam chuyển hướng sang Mỹ

Khoảng 150.000 USD sẽ được điền kinh dốc vào chuyến tập huấn nước ngoài tới đây trong chiến dịch tìm kiếm HCV ở Asian Games 2014. Thay vì sang Đức hay một nước châu Âu nào đó, điền kinh sẽ tập trung lực lượng qua Mỹ với hy vọng môi trường tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp và đa dạng nơi đây sẽ giúp các VĐV Việt Nam tích lũy chuyên môn tối đa.

Khoảng 150.000 USD sẽ được điền kinh dốc vào chuyến tập huấn nước ngoài tới đây trong chiến dịch tìm kiếm HCV ở Asian Games 2014. Thay vì sang Đức hay một nước châu Âu nào đó, điền kinh sẽ tập trung lực lượng qua Mỹ với hy vọng môi trường tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp và đa dạng nơi đây sẽ giúp các VĐV Việt Nam tích lũy chuyên môn tối đa.

Dự kiến, ngoài “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, điền kinh Việt Nam sẽ chọn ra 6-7 gương mặt nữa, như Trần Huệ Hoa (nhảy 3 bước nữ), Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thúy (các cự ly 400m, 400m rào và 4x400m), Đỗ Thị Thảo (800m và 1.500m) cho chuyến tập huấn tốn 3 tỷ đồng trước thềm Incheon 2014.

Trong thời gian tới, giới chức điền kinh sẽ trực tiếp sang Mỹ để điều nghiên, khảo sát trước khi chốt lại thành phố nào sẽ là nơi đóng quân của điền kinh Việt Nam suốt chuyến tập huấn. Vấn đề mời chuyên gia để giúp nâng tầm cho điền kinh Việt Nam cũng được tính đến, nhưng với thời gian tập huấn tại Mỹ không dài, chuyên gia cũng chỉ mang tính thời vụ. Quan trọng là sau chuyến tập huấn nói trên, điền kinh Việt Nam có xây dựng được mối quan hệ thân thiết với điền kinh Mỹ, để trong tương lai gần sẽ có nhiều chuyến đưa VĐV sang đây tập huấn nhằm nỗ lực cải thiện vị thế của chúng ta ở châu Á, thế giới.

Như vậy, tranh cãi về kế hoạch tập huấn nước ngoài của điền kinh Việt Nam có thể sẽ được khép lại, nếu Tổng cục TDTT phê duyệt cho những gương mặt xuất sắc nhất lên đường sang Mỹ luyện nghề. Đây chỉ là chuyến tập huấn ngắn hạn, giải quyết vấn đề trước mắt “có khả năng sẽ giành được HCV ở Asian Games 2014”, còn về lâu dài, điền kinh Việt Nam vẫn cần một lộ trình mới, chuyên nghiệp và khoa học hơn.

Điền kinh là môn thể thao cơ bản của Olympic, đặc biệt quan trọng nên lãnh đạo Tổng cục TDTT và thậm chí là Bộ VH-TT&DL chắc chắn không ngó lơ nếu như bộ môn cũng như liên đoàn xây dựng được một chiến lược cải thiện thành tích và hình ảnh cho điền kinh Việt Nam trình lên xin phê duyệt. Vấn đề là lâu nay, bộ môn làm chưa đến nơi đến chốn vai trò tham mưu cho lãnh đạo ngành về chiến lược phát triển.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục