Sau mỗi kỳ đại hội Asiad hay Olympic, những cuộc làm việc của giới chức chuyên môn lại được tổ chức, xác định vấn đề và tìm ra hướng giải quyết. Thế nhưng để biến kế hoạch, chiến lược trên mặt giấy thành hành động cụ thể thì vẫn là quãng đường khá xa, tương tự như khoảng cách của thể thao Việt Nam với thể thao thế giới. Đã tới lúc giới chức thể thao Việt Nam cần có hành động cụ thể để tìm lời giải cho bài toán giành huy chương ở Thế vận hội.
Thể thao Việt Nam nhiều lần đi xa, là tập huấn và thi đấu quốc tế, nhưng đã học hỏi được gì? Hãy bắt đầu bằng một điều căn bản, đó là thể thao học đường. Nếu ở các nước có nền thể thao phát triển, họ luôn tận dụng tốt nguồn lực thể thao học đường để xây dựng lực lượng nền tảng. Thể thao học đường sẽ giúp các em nhỏ có tài năng và đam mê tiếp tục con đường thể thao, khi lên bậc trung học, đại học rồi thành những VĐV chuyên nghiệp.
Lấy ví dụ như ở Mỹ, các trường học xây dựng cơ sở vật chất tốt phục vụ cho việc phát triển thể thao học đường. Ngay từ nhỏ học sinh đã được hình thành thói quen chơi thể thao, sau đó sẽ được phát triển theo các môn thể thao yêu thích, phù hợp với bản thân. Đó chính là lý do mà hầu hết các VĐV đỉnh cao của Mỹ đều trưởng thành từ phong trào thể thao học đường.
Như cách Hàn Quốc xây dựng vị thế hùng mạnh ở môn bắn cung, một hệ thống đào tạo bài bản, nghiêm khắc và khắc nghiệt mà thể thao học đường là nền tảng. Tại Hàn Quốc, bắn cung là một môn học tự chọn ngay từ tiểu học, học sinh học văn hóa buổi sáng và tập bắn cung buổi chiều. Sức mạnh tinh thần hay sự điềm tĩnh là yếu tố tiên quyết mà các học sinh được hướng dẫn luyện tập. Chỉ mới cấp độ tiểu học, các "ngọc thô" đã bắn từ 300 đến 500 mũi tên mỗi ngày.
Bàn về thể thao học đường ở Việt Nam, có phát triển nhưng lại chưa thật sự hiệu quả trong việc tạo ra nguồn lực lượng cho thành tích cao sau này. Theo các chuyên gia, thể thao Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế như nguồn lực về tài năng VĐV trẻ chưa nhiều. Hiện cả nước chỉ có khoảng 960 VĐV tại các đội tuyển trẻ quốc gia. Chưa kể, số lượng đào tạo trẻ của một số môn thể thao, nội dung mũi nhọn còn rất hạn chế.
Điều đó cho thấy vấn đề, từ Hội khoẻ Phù Đổng, các giải thể thao học sinh, giải trẻ-năng khiếu, được xem là nguồn tốt để tuyển chọn "ngọc thô" cho từng bộ môn, nhưng tận dụng cơ hội từ đây để phát triển nguồn lực lượng đội tuyển thì chúng ta vẫn chưa đạt đến mức yêu cầu. Thể thao Việt Nam cần một quá trình với hệ thống bài bản, gần như từ cấp tiểu học đã phải có hệ thống tập luyện và thi đấu nghiêm ngặt. Từ việc phát triển giáo dục thể chất đến xác định trọng điểm và cần có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành.