Khép lại hành trình tại nước Pháp, điểm sáng hiếm hoi của Đoàn thể thao Việt Nam thuộc về xạ thủ Trịnh Thu Vinh khi cô tiếp cận nhóm VĐV tranh chấp huy chương ở các nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn thể thao nữ. Các VĐV còn lại đều không thành công, thậm chí thua nhanh đầy khó hiểu.
Sân chơi vượt tầm
Thất bại của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng ở 2 nội dung 800m tự do và 1.500m tự do nam là minh chứng rõ nét nhất. Huy Hoàng thi đấu sa sút với các thông số thành tích còn kém cả chính mình trong quá khứ. Một trong những kỳ vọng huy chương của thể thao Việt Nam là lực sĩ Trịnh Văn Vinh (hạng cân 61kg nam) cũng gây sốc khi liên tiếp lâm vào tình cảnh bị "tạ đè". Anh thậm chí không thể thành công mức tạ cử giật 128kg ở cả 3 lần thực hiện và phải dừng bước sớm, không được tham gia thi cử đẩy để có kết quả tổng cử.
Thể thao Việt Nam tham gia đấu trường Olympic trên dưới 40 năm, không kể khoảng thời gian đầu từ Moscow 1980 cho đến Atlanta 1996 thuần túy mang tính học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Kể từ khi nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân giành HCB tại Sydney 2000, tưởng chừng tham vọng chinh phục đấu trường Olympic ngày càng sinh sôi, nảy nở.
Song qua 6 kỳ Thế vận hội tiếp theo, chúng ta mới chỉ vỏn vẹn một lần được đứng trên bục chiến thắng cao nhất nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Rio de Janeiro 2016. Từ Moscow 1980 đến nay, thể thao Việt Nam mới chỉ giành được 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ từ những nội dung tranh tài cá nhân ở các môn cử tạ, bắn súng và taekwondo.
Ngay cả công đoạn tìm kiếm suất chính thức đến nước Pháp cũng diễn ra khá bấp bênh và thiếu ổn định. Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt từng nhận định: "Xét về toàn diện, SEA Games vẫn là đấu trường xứng tầm và là môi trường phù hợp để đánh giá sự phát triển thành tích của các VĐV, nhất là các tuyển thủ trẻ. Tuy nhiên, định hướng của thể thao Việt Nam chính là nâng tầm chất lượng hướng đến Asiad và Olympic".
Chiến lược vươn ra biển lớn Olympic không phải không có nhưng kết quả không mấy khả quan. Vào năm 2016, 23 VĐV Việt Nam tham gia tranh tài ở Olympic Rio nhưng con số này giảm xuống 18 VĐV ở Tokyo 2020 và chỉ còn 16 VĐV ở Paris 2024. Thể thao Việt Nam không chỉ sa sút dần về số lượng và khả năng cạnh tranh mà còn kém về mặt thành tích. Có lẽ chúng ta phải chấp nhận rằng, đấu trường Olympic là vượt tầm, quá sức đối với thể thao Việt Nam.
Trọng điểm nhưng chưa trọng tâm
Thể thao Việt Nam đến Olympic Paris 2024 với số lượng VĐV hạn chế lại không có môn mũi nhọn thực sự nên chủ yếu trông chờ vào sự đột phá của bản thân VĐV và phần nhiều là… may mắn. Đó cũng là lý do mà ngành thể thao thay vì đặt mục tiêu huy chương cụ thể ở môn thể thao hay VĐV nào đó thì chỉ đưa ra mục tiêu "phấn đấu có huy chương".
Nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2004 Nguyễn Hồng Minh từng nêu quan điểm, thể thao Việt Nam đã có huy chương trong một số kỳ Olympic nhưng nếu chúng ta đầu tư còn dàn trải nhiều thì rất khó có những bứt phá tại Olympic. Thể thao Việt Nam từng giành được huy chương Olympic ở các môn: bắn súng, taekwondo và cử tạ. Nhưng các môn này vẫn chưa được đầu tư đặc biệt, thậm chí còn thiếu rõ ràng cả về nguồn lực tài chính lẫn số lượng VĐV tài năng được chọn cho một chiến lược phát triển có trọng tâm.
Ví dụ như trường hợp của xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Nữ xạ thủ sinh năm 2000 được đầu tư trong 2 năm qua với những chuyến tập huấn nước ngoài, tham gia nhiều giải đấu lớn cùng chuyên gia Hàn Quốc Park Chung-gun. Nhưng nếu nhìn sang cường quốc bắn súng như Hàn Quốc, việc đầu tư của chúng ta vẫn chưa thể giúp Vinh kéo gần khoảng cách với những tuyển thủ được huấn luyện trong môi trường cơ sở vật chất mà thể thao Việt Nam chưa thể mơ tới. Dù rằng mới lần đầu tham dự Olympic, Trịnh Thu Vinh đã chứng minh tiềm năng với hạng 4 thế giới nhưng rõ ràng khoảng cách giữa hạng 4 và huy chương đã phân định rạch ròi.
Nói về thể thao trọng điểm, không phải Việt Nam không có chiến lược. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa rõ ràng, nhất là ở Olympic Paris 2024. Quyết định số 2112 của Bộ VH-TT-DL năm 2019 đã công bố danh mục các môn, nội dung thi đấu thể thao thuộc nhóm 1, 2, 3 để làm căn cứ chi tiền thưởng cho HLV, VĐV lập thành tích tại các giải thi đấu quốc tế. Hay ngay từ năm ngoái, các nhà chuyên môn của thể thao Việt Nam đã phân tích lực lượng để xác định được khoảng 30 VĐV có khả năng tranh chấp suất tham dự Olympic ở các môn bắn súng, cử tạ, xe đạp, cầu lông, quyền Anh, taekwondo, thể dục dụng cụ, đua thuyền, điền kinh, bơi.
Nhìn sang các nước cùng khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, thời gian qua họ không cố gắng bằng mọi giá để chạy đua vào tốp đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games mà tập trung đầu tư cho nhóm môn thế mạnh để tranh tài ở Asiad và Olympic. Họ đầu tư thật để giành thành tích thật, thậm chí là sòng phẳng với những cường quốc thể thao trên thế giới. Thành quả đã rất rõ ràng tại Paris 2024: Philippines giành 2 HCV, 2 HCĐ; Indonesia 2 HCV, 1 HCĐ; Thái Lan 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ; Malaysia 2 HCĐ.
Tiêu biểu, Singapore đã tốn tới hàng chục triệu USD để đầu tư cho kình ngư Joseph Schooling tập huấn và thi đấu trước khi hưởng được "trái ngọt" HCV tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Ở Philippines, chủ nhân của 2 tấm HCV thể dục dụng cụ tại Olympic Paris 2024 Carlos Yulo được đào tạo bài bản trong môi trường thể thao học đường, kết hợp với tập huấn quốc tế cũng như nhận học bổng đào tạo lên tới hàng chục ngàn USD/năm từ khi mới 12 tuổi.