Bảy năm về trước, vào ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng hè 2008, một thương vụ bất ngờ đã xảy ra, gây sốc cả thế giới túc cầu giáo thời điểm ấy - sự kiện Robinho rời Real Madrid để chuyển sang Manchester City với cái giá 32,5 triệu bảng. Bảy năm đã trôi qua từ ngày hôm ấy, bản đồ bóng đá đã thay đổi rất nhiều. Nhưng kịch bản cho những thiên tài rời Bernabeu sang Premier League thì vẫn giống nhau.
![]() |
Angel Di Maria (phải) đang chật vật khẳng định mình tại bóng đá Anh.
Có một câu nói rất nổi tiếng: “Đã ở Real, thì còn đi đâu được nữa”. Robinho đã đi ngược lại với lòng kiêu hãnh của CLB vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ngày Robinho rời Real Madrid, Chủ tịch Los Blancos thời điểm ấy là Ramon Calderon đã nói một câu rất ám ảnh: “Robinho, cậu thua rồi!”. “Thua” là một từ rất ẩn ý của Calderon khi không thể khuyên nhủ được Robinho ở lại Real. Nhưng có một điều mà vị chủ tịch tai tiếng này chưa bao giờ nghĩ tới, rằng 4 chữ ngày hôm đó của ông, đã trở thành một cái gì đó như là lời nguyền. Lời nguyền dành cho những cầu thủ giỏi nhất dải thiên hà Real Madrid, khi dứt áo ra đi khỏi CLB đến nước Anh, sẽ thất bại. Robinho thời điểm ấy cũng có một mùa giải đầu tiên thành công, và sau đó sụt giảm phong độ để rồi bị đẩy sang Santos cho mượn. Cho đến bây giờ, “Tiểu Pele” chỉ được nhớ tới như là người khơi mào cho làn sóng các ngôi sao hạng A tập trung về Citizens của Tập đoàn Abu Dhabi, chứ không còn là một ngôi sao lớn như ngày đầu tiên anh ra mắt thế giới túc cầu giáo nữa.
Năm năm sau vụ chuyển nhượng của Robinho, một người nữa rời Madrid sang nước Anh. Đó là Mesut Oezil, đến Arsenal với cái giá 42,5 triệu bảng, Oezil tới Arsenal, chỉ vì anh tự ái khi thấy vị trí của mình mất về tay Isco, một bản hợp đồng trẻ măng và thua kém anh về tên tuổi. Cho đến phút cuối ấy, những Madridistas vẫn không tin được là họ đã mất Oezil. Cầu thủ mà theo đánh giá sơ bộ trong 3 năm từ 2010-2013, vai trò chỉ xếp sau siêu sao Cristiano Ronaldo. Oezil tới Arsenal và lập tức thổi một luồng sinh khí mới cho đội bóng thành London, anh ghi bàn, anh kiến tạo, anh độc diễn, anh gieo hy vọng lớn lên các Pháo thủ. Nhưng cũng như tuần trăng mật của đôi vợ chồng son, sau nụ cười sẽ là những khó khăn tìm đến. Chấn thương đẩy Oezil ra sân cỏ, sức ép của lối chơi “Kick and Rush” giàu thể lực và tốc độ đã khiến Oezil đuối sức, tâm lý anh bị tổn thương nặng nề khi không còn được bảo vệ như thuở ở Real, trong khi đó lại phải cáng đáng vai trò của một đầu tàu. Tất cả đã khiến Oezil sụp đổ.
Một năm sau ngày Oezil rời Real, đồng đội cũ của anh, cũng là trụ cột của đội bóng hoàng gia, cầu thủ hay nhất trận chung kết Champions League 2013-2014, Angel Di Maria chuyển sang Manchester United. Lý do cho sự ra đi của Di Maria cũng như Oezil, như Robinho, đó là lòng tự ái bị tổn thương vì cách đối xử có phần bạc bẽo của Real. Khi Di Maria cảm thấy bị phản bội, tâm lý ngôi sao đã khiến anh ra đi, tìm đến nơi tôn trọng mình. Man.United với chiếc áo số 7 chờ đợi anh, họ bỏ ra số tiền vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá Anh (59,7 triệu bảng) để rước anh về là sự đảm bảo cho việc tôn trọng đó. Bằng 3 bàn thắng và 6 kiến tạo chỉ sau 8 lần ra sân, lối chơi kỹ thuật và nhiều đột biến, thiên thần trở thành điểm sáng cho Man.United thời đại Van Gaal. Nhưng rồi thảm họa tới, chấn thương nặng trong trận gặp Hull City không chỉ đẩy Di Maria rời xa sân cỏ suốt 2 tháng, mà khi trở lại, anh cũng trở nên vô hại và thiếu nguy hiểm hơn. Lỗi cho sự sa sút của Di Maria không chỉ nằm ở bản thân anh mà còn nằm ở vấn đề chiến thuật của Van Gaal. 3-5-2 biến anh thành một tiền đạo cánh không thu được hiệu quả, sơ đồ kim cương 4-1-4-1 đẩy anh bám biên hoặc chuyển vào hộ công cũng không được khai phá hết. Di Maria loay hoay trong ma trận của chính HLV Van Gaal. Trong khi sơ đồ 4-3-3 ở Real Madrid, nơi đưa Di Maria lên đỉnh cao sự nghiệp lại không được thử nghiệm tới.
DŨNG PHAN
(Admin Trang web 4231.vn, Tạp chí Cộng đồng yêu bóng đá)