Lý do được Kiatisak nêu ra đó là “việc gia đình”, tuy nhiên, nhìn kết quả thi đấu của CAHN thời gian gần đây cùng với “tiền sử” thay HLV của đội bóng này thì những người am hiểu bóng đá Việt Nam đều có chung nhận định: đây là cuộc chia tay không thể tránh khỏi. Dù vẫn còn cơ hội tranh chấp chức vô địch với Nam Định nhưng với thành tích chỉ thắng 1 trong 4 trận gần đây thì khoảng cách 8 điểm giữa 2 đội khó mà thu hẹp. Căn cứ vào thống kê trong lịch sử V-League thì một đội nào muốn vô địch trong mùa giải có 26 vòng đấu thì phải thắng ít nhất 14 trận. Hiện CAHN chỉ mới thắng 9 sau 18 trận đã qua, nếu muốn vô địch thì phải thắng thêm 5 trong số 8 trận còn lại, chưa kể với điều kiện là Nam Định không được thắng quá 2 trận nữa (hiện họ đã có 12 trận thắng).
Kiatisak là người mà kể cả khi thua trận, vẫn có thể cười nói hòa nhã. “Sắc” không bao giờ đề cập đến các vấn đề hậu trường CLB với truyền thông. Sự nhã nhặn của Kiatisak khiến người ta không thật sự biết nguyên nhân chính để ông rời CLB CAHN. Tuy nhiên, có điều ai cũng biết chắc, một người như Kiatisak khó mà hòa hợp được với đội bóng đã 5 lần thay HLV trưởng chỉ trong vòng 2 năm qua. Trước Kiatisak, cựu HLV đội U23 Việt Nam Gong Oh-kyun cũng đã bất ngờ chia tay và sau đó đã có những chỉ trích về việc bị “can thiệp chuyên môn”.
Có một sự trùng hợp thú vị: CAHN được xem là một phiên bản của HA.GL cách đây 20 năm, thời điểm mà Kiatisak là ngôi sao lớn nhất trong 2 chức vô địch V-League của HA.GL ngay khi vừa thăng hạng. Lúc đó, bầu Đức từng nói là đội bóng của ông “ai làm HLV cũng sẽ vô địch”. Bây giờ, CAHN gần giống vậy, thay HLV như thay áo mà vẫn đủ sức tranh chấp ngôi cao. Bằng chứng là mùa bóng 2023, họ vô địch mà ở 2 vòng đấu cuối cùng không có HLV trưởng khi giám đốc điều hành Trần Tiến Đại làm HLV tạm quyền khi trước đó lần lượt sa thải 2 HLV ngoại khác nhau.
Cuộc chia tay của Kiatisak ở thời điểm này tương đối là … vừa vặn. Có hay không có ông ở CAHN thì mọi thứ vẫn thế, đó là nét “đặc sắc” của đội bóng này. Chỉ có điều, câu chuyện của Kiatisak một lần nữa cho thấy V-League không phải là “miền đất lành” của các HLV ngoại, kể cả những người rất gần gũi như Kiatisak. Đây không phải là điều tốt. Một nền bóng đá muốn vươn tầm nhưng gần như không thể tiếp nhận các tư tưởng, cách quản lý mới mẻ từ bên ngoài, thì kể cả khi có phát triển thì cũng chỉ mang tính cục bộ, ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh mà các HLV nội không ai đủ khả năng để đứng đầu đội tuyển quốc gia. Hay nói cách khác, chúng ta rất khó tiến xa nếu mọi thứ ở cấp CLB vẫn đang vận hành theo cách nghiệp dư.