Với Medvedev, thành công trong quần vợt có sự góp sức rất lớn của sức mạnh tài chính. Một tay vợt có nguồn tài chính hỗ trợ dồi dào có khả năng tìm được thầy giỏi, đến rèn luyện ở các Học viện đào tạo hàng đầu, được tiếp cận các trang thiết bị, cơ sở vật chất và phương pháp tập tành hiện đại. Tất nhiên, tài chính không phải là yếu tố đảm bảo mọi thành công, nhưng nó là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong môn quần vợt chuyên nghiệp.
Khó kiếm được triệu đô từ quần vợt, nhưng triệu đô sẽ giúp bạn thành tay vợt giỏi
“Theo tỷ lệ phần trăm, cơ hội để trở thành một tay vợt triệu phú tài năng là rất nhỏ. Bạn không thể tạo ra ảo tưởng rằng mọi đứa nhỏ thứ 2 được gửi đi tập quần vợt, tất cả đều trở thành các tay vợt chuyên nghiệp”, Medvedev tâm sự, “Tiền có thể quyết định, nhưng tất cả mọi thứ phải cùng khớp với nhau. Chắc chắn rằng, đã có nhiều đứa nhỏ tài năng, có thể đứng trong tốp 10, tốp 5, thậm chí làm tay vợt số 1 thế giới, mà cha mẹ không có tiền hoặc cơ hội. Tôi không biết nữa, có lẽ đến từ một thị trấn nhỏ, nơi thậm chí không có cả HLV giỏi”.
“Nhưng nếu có tiền, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Khi đó, tất cả mọi thứ sẽ đều ăn khớp và hiệu quả. Tiền sẽ giúp ích rất nhiều”, Medvedev cho biết.
Rời Moscow đến sống ở Monaco, vì nơi đó không bị đánh thuế
Từ nhiều năm nay, người ta chứng kiến một làn sóng vô vàn tay vợt rởi khỏi quê nhà đến cư trú tại Monaco, “thiên đường về thuế” trên thế giới. Do công việc đặc thù của một tay vợt chuyên nghiệp, họ thường phải di chuyển để tham gia đánh giải ở nhiều nơi trên thế giới, không thể ở một nơi cố định như VĐV thuộc các môn thể thao khác, đặc việt như trong bóng đá, bóng rổ… các tay vợt lựa chọn nơi nào có điều kiện sống tốt và thuế suất không cao để cư trú, Monaco luôn luôn là lựa chọn hàng đầu.
Medvedev đã kể về chuyến hành trình… “rời khỏi nước Nga” của mình: “Đầu tiên, tôi đến nước Pháp. Trong một khoảng thời gian dài, tất cả các quyết định về sự nghiệp của tôi đều được cha mẹ tôi quyết, họ chọn Học viên nơi tôi tập luyện, phương cách học tập và tôi sẽ thọ giáo vị HLV nào. Họ quyết định mọi thứ với tôi, và rời khỏi nước Nga chuyển đến những nơi có cơ sở vật chất tốt hơn, mức bảo đảm tài chính tốt hơn, cũng là quyết định của cha mẹ tôi”.
“Khi tôi 18 tuổi, tôi là một siêu sao ở Moscow: Trẻ trung, tài năng, Moscow cũng là thành phố rất năng động và đầy rẫy cơ hội. Nhưng để phát triển quần vợt ở đó thì… Ra đi mới chính là lựa chọn đúng đắn và đến giờ, tôi vẫn biết ơn cha mẹ vì quyết định của họ”, Medvedev kể lại.
“Ban đầu tôi sống ở nơi cách Monaco 1 tiếng đồng hồ chạy xe. Sau đó, chúng tôi nói về công việc, về tình hình tài chính, và Monaco mới là một thành phố tuyệt vời, ở đây không đánh thuế, với các VĐV, đó là một vấn đề lớn. Do đặc thù công việc, chúng tôi đi khắp nơi trên thế giới và đóng thuế ở mọi nơi. Nhưng ít nhất, bạn cũng không muốn trở về nhà và tiếp tục phải đóng thuế. Do vậy, khoảng 4 năm trước, chúng tôi chuyển đến sinh sống tại Monaco”, Medvedev nhớ lại.
“Thu nhập trong quấn vợt chuyên nghiệp là rất lớn - nếu tôi không nhầm, tôi có 16 triệu USD. Thế nhưng, bạn cần phải hiểu rằng, tất cả cũng chỉ là tương đối”, Medvedev tiết lộ, “Đầu tiên, ngay sau giải đấu, bạn phải trích tiền trả thuế thu nhập. Ở Nga, nếu bạn là người có quốc tịch, bạn phải trả 13%, là người nước ngoài phải trả 30%. Ở Pháp, theo tôi biết là 15%. Ở Mỹ là 30% còn ở Anh là 20%”.
“Sau đó thì, cuộc vui mới chỉ bắt đầu. Ở các quốc gia tổ chức các kỳ giải Grand Slam đình đám, bạn phải tự tìm hiểu xem mình có phải trả thêm mức thuế suất gì hay không, vì bạn sẽ kiếm được một khoản tiền thưởng khổng lồ ở đây. Vì ở Pháp, ví dụ như, nếu bạn kiếm được 1 triệu, thì bạn phải trả 45% mức thu nhập đó”.
“Và đây, tiếp tục ví dụ, bạn được chơi trận đấu chung kết của Roland Garros, bạn nhận được 1 triệu rưỡi, bạn cảm thấy rất hài lòng. Bạn chỉ phải đóng 15%, bạn còn đến 1 triệu 3, hay là 1 triệu 2 trong tài khoản. Nhưng bạn cần phải hiểu rằng, đến cuối năm, bạn phải đóng thêm mức thuế 400 ngàn hoặc 500 ngàn từ nguồn thu nhập này!".
"Họ có thể thu thuế từ chính hợp đồng của bạn, trừ thẳng tiền vào tài khoản với các loại công thức. Tôi có thể nói rằng, trung bình 50% thu nhập từ tiền thẳng giải được chi trả cho thuế và trả tiền cho đội hỗ trợ của mình”, Medvedev kể thực chất về vấn đề tiền thưởng và thuế suất cho khoản thu nhập này.
“Trước đây, tôi chưa từng có nhà tài trợ, cha mẹ tôi phải chi trả tất cả mọi thứ, cho dù một số thời điểm, Liên đoàn quần vợt Nga có hỗ trợ đôi chút. Từ 6 tuổi đến 20 tuổi, tôi đã bắt đầu kiếm được tiền từ quần vợt, mọi thứ đều nhờ có cha mẹ trợ giúp và quản lý”, Medvedev kể lại về “thời xa xưa”.
“Rồi tôi có một thỏa thuận tài trợ đầy thú vị. Ở thời đó, những người bảo trở tài chính là rất hiếm, vì vậy hợp đồng nhanh chóng được ký kết, và do hợp đồng được ký khi tôi chưa đủ tuổi thành niên, cha mẹ của tôi trở thành đối tác bên B của hợp đồng. Hợp đồng trao cho chúng tôi nhiều tiền để tập luyện, điều này rất tuyệt và đã trợ giúp rất nhiều”.
“Các nhà tài trợ, khi tìm đến các tài năng trẻ, thường nghĩ đây giống như là khoản đầu tư cho một công ty khởi nghiệp, vì trong hợp đồng viết rằng, trong một thời điểm nào đó hoặc trong toàn bộ sự nghiệp, nhà tài trợ sẽ nhận được khoản phần trăm từ thu nhập tiền thưởng của tay vợt đó”.
“Cũng vì vậy, có một số rắc rối xảy ra, dù không ở trong trường hợp của tôi. Do là các tay vợt không ký hợp đồng này khi còn nhỏ, khi trưởng thành, họ kiếm được tiền và bắt đầu nghĩ rằng, tại sao lại phải trả tiền cho người khác từ thu nhập của mình, ngoài việc trả tiền thuế, chi trả chi phí cho đội hỗ trợ… Các tay vợt sẽ không hiểu, vì khi hợp đồng được ký, họ còn quá nhỏ để hiểu và không đưa ra quyết định này. Do đó, đã xảy ra rất nhiều cãi vã, tranh chấp, thậm chí kéo nhau ra đến tận Tòa án để kiện cáo”, Medvedev cho biết.
Medvedev chi trả chi phí cho HLV bao nhiêu?
“Mỗi người đều là rất khác biệt. Nếu chúng ta nói về những tay vợt thuộc tốp 100, tốp 50 thế giới, và bạn muốn có một HLV cá nhân tháp tùng bạn suốt cả năm, bạn sẽ phải trả lương hàng tháng cộng thêm tỷ lệ phần trăm từ các giải đấu mà bạn tham gia. Có người nào đó thậm chí còn trả khoản % ở tất cả mọi giải đấu. Tôi có thể nói rằng, khoảng từ 6% đến 10% và từ 6 đến 15 ngàn EUR mỗi tháng. Thậm chí, có tay vợt còn chi trả cho các HLV của mình hàng tuần”.
“Tất cả các chi phí đều rơi vào đầu các tay vợt chuyên nghiệp, đây là một trong những nhược điểm của quần vợt chuyên nghiệp. Nếu như bạn muốn bay đến Australia với cả đội hỗ trợ bao gồm 4 người, bạn cần phải mua 4 vé máy bay hạng thương gia. Nội bao nhiêu đó thôi cũng đã tốn cả mớ tiền. Chưa kể tiền lương, tiền chi phí ăn ở khách sạn, cộng các chi phí khác”.
Tại sao quần vợt có nhiều tiền?
“Chúng ta luôn đưa ra những con số, nhưng rất khó để nói cái nào là thật, cái nào không. Tuy nhiên, xét về lượng khán giả cả năm, quần vợt là một trong bốn môn thể thao được yêu thích nhất thế giới”.
“Các giải đấu kiếm được rất nhiều tiền, nhưng vấn đề là chúng ta không có một công thức nào với các giải đấu. Giải đấu có thể kiếm được 200 triệu USD và mang lại cho các tay vợt mức 20, và chẳng ai biết về điều đó. Ngay cả nếu một tay vợt biết chuyện, cũng chẳng có gì xảy ra. Mặt khác, một giải đấu có thể mất tiền nhưng một tay vợt vẫn có thể kiếm tiền”.
“Tại sao quần vợt có nhiều tiền đến như vậy? Người ta nhìn thấy, người ta thích nó, nếu không thì đã không có nhiều tiền đến như vậy. Có những nhà tài trợ lớn, nhưng không phải giải đấu nào cũng có. Vì vậy, mọi thứ thật sự đến từ truyền hình và bán vé”.
“Tôi nghĩ, quần vợt sẽ không thể kiếm được nhiều tiền đến như vậy nếu không có sự hiện diện của Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic, và Andy Murray, những người đã chơi và giành càng lúc càng nhiều danh hiệu lớn. Và mọi người theo dõi điều này, với họ, quần vợt đã thăng hoa đến thiên đường”.