Ngày 18-11, môn đua thuyền rowing nằm trong chương trình Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 chính thức tranh tài tại Hải Phòng. Đây là môn đầu tiên trong 43 môn thi đấu chính thức của Đại hội thể thao lần này khởi tranh.
“Mỗi kỳ Đại hội thể thao toàn quốc không chỉ là cuộc tranh tài, tranh các huy chương thi đấu trong mỗi nội dung mà nhà quản lý từ đó sẽ có những xem xét kỹ lưỡng về chiến lược đầu tư cho môn thể thao cũng như hướng phát triển tiếp theo ra sao. Đại hội bây giờ khởi tranh nhưng chắc chắn, nhà quản lý đã phải suy tính các kế hoạch sau đây 4 năm ở kỳ tiếp theo rồi chứ không thể chậm trễ”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt từng bày tỏ.
Bốn năm trước khi Đại hội thể thao toàn quốc lần 8-2018 tổ chức tại Hà Nội, môn rowing có 14 đơn vị đăng ký tham dự với tổng 127 tay chèo góp mặt. Kỳ Đại hội thể thao toàn quốc năm nay, số đơn vị là 18 và tổng VĐV góp mặt là 180 cùng 60 HLV của các đơn vị. Ngay khi ra mắt ban chấp hành mới cùng các chức danh quản lý mới của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam nhiệm kỳ lần thứ 3 (2022-2027) mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Hải Đường đã bày tỏ môn thể thao đua thuyền đã và đang phát triển tại Việt Nam và nhiều địa phương đầu tư tập luyện. Mặc dù vậy, để phát triển tốt hơn nữa vẫn cần nhiều nguồn lực tài chính đồng hành cũng như có được trang thiết bị, cơ sở và thuyền tốt nhất cho VĐV.
Có thể thấy, tính chất thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc có thể không chuẩn hóa quốc tế như thi đấu SEA Games hay ASIAD nhưng tính cạnh tranh chuyên môn là quan trọng đáng kể bởi không địa phương nào muốn thất bại về chỉ tiêu đặt ra. Bởi thực tế, nhà quản lý phải nhìn vào thực chất thành tích thì mới yên tâm để thêm sự đầu tư hoặc chấp nhận các định hướng có khả quan thành công trong tương lai, đặc biệt với môn đua thuyền rowing hay canoeing.
Trong nước, 21 đơn vị tập trung đào tạo và có VĐV rowing thi đấu thành tích cao gồm An Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tiền Giang, TPHCM, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Ở Đại hội thể thao toàn quốc năm nay, Sóc Trăng, Bắc Ninh, Kiên Giang là địa phương không cử đội góp mặt còn tất cả những đơn vị quen thuộc với rowing đều đầy đủ tay chèo tốt nhất Việt Nam dự tranh.
Có mặt tại Đại hội Liên đoàn đua thuyền Việt Nam nhiệm kỳ 3 mới đây tại Hà Nội, số đông VĐV đua thuyền đều chung bày tỏ rằng sẽ luôn có những giải đấu để cọ xát và các địa phương sẽ thấy rowing là môn có khả năng giành những thành tích tốt nhất ở đấu trường quốc tế để thêm đầu tư. Chính nhà quản lý Liên đoàn đua thuyền cũng rất cởi mở khi mời đông đảo VĐV đua thuyền cùng dự Đại hội và tạo cơ hội cho họ phát biểu, nói lên suy nghĩ của mình (dù không VĐV nào đưa ra ý kiến). Từ đó để thấy, VĐV là trung tâm của môn thể thao và nhà quản lý cần cầu thị những đóng góp từ họ.
Trong đề xuất kiến nghị tới Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT, những người làm đua thuyền hy vọng cấp quản lý “tiếp tục quan tâm hơn nữa tới sự nghiệp phát triển đua thuyền Việt Nam; phối hợp với các bộ liên quan và thành phố Hải Phòng để tiếp tụ hoàn thiện dự án Trung tâm đua thuyền tại đây qua đó làm nơi tập huấn cho các đội tuyển quốc gia cũng như tổ chức các giải quốc tế do Việt Nam đăng cai; đưa mô sailing và đua thuyền truyền thống vào chương trình thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc năm 2026...”.
Thực tế, qua mỗi 4 năm của một chu kỳ Đại hội, rất nhiều điều sẽ được đưa ra để xem xét và phân tích và không chỉ câu chuyện chuyên môn còn những vấn đề về chính sách, chế độ và các chiến lược dài hơi đối với môn rowing từ địa phương tới trung ương.
Môn đua thuyền rowing thi đấu từ ngày 18 tới 23-11. Ngày đầu tiên 18-11 sẽ thi đấu loại các nội dung M4X, W1X, LM4, LW2X, LM1X, M2, W4X. |