Chuyện quanh tấm vé


Đội tuyển Việt Nam lại tạo nên cơn sốt vé. Những hình ảnh thức đêm giữ chỗ, bỏ ăn để xếp hàng, vạ vật hết ngày này sang ngày nọ chỉ để sở hữu tấm vé lại xuất hiện. Khổ quá! Đó là suy nghĩ đầu tiên khi nhìn thấy điều đó. Vấn đề là nó tái diễn nhiều lần, không có một thay đổi nào suốt bao nhiêu năm qua.
 Nhiều người hâm mộ đã có mặt từ đêm hôm trước để có thể mua vé sớm
Nhiều người hâm mộ đã có mặt từ đêm hôm trước để có thể mua vé sớm

 Ai cũng đều dễ dàng bật lên câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Đã là thời đại của thanh toán điện tử, bất kỳ nhu cầu nào đều cũng có thể được phân phối qua mạng, nhưng tại sao “vé bóng đá” lại không thể?

Một câu chuyện tưởng là đơn giản, nhưng một khi tồn tại suốt từ thời bao cấp đến 4.0, tự thân nó phải phức tạp. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đương nhiên cũng chẳng phải là những người mù tịt công nghệ để không biết đến những phương cách phân phối hiện đại, vậy nhưng dường như họ cũng chẳng biết cách gì để thay đổi. Vì sao lại như thế?

Đầu tiên là hiện nay, VFF có 3 hình thức bán vé qua công văn, online và trực tiếp, nhưng các “điều khoản và điều kiện áp dụng” lại khác nhau. Điều này có thể dẫn đến trường hợp 1 người sẽ thử đến 3 phương án, dẫn đến tăng đột biến nhu cầu trùng lắp. Tức là “nhu cầu ảo”.

Kế đến, có người đặt vấn đề bán vé như kiểu trực tuyến của xe lửa. Thế nhưng, về bản chất, 2 nhu cầu này hoàn toàn khác nhau. Không có vé tàu, vẫn còn lựa chọn ở máy bay, xe khách hoặc thậm chí bằng phương tiện cá nhân trong khi vé vào sân xem bóng đá có giới hạn, không có lựa chọn khác.

Hai yếu tố kể trên đưa ra nguyên nhân rất quan trọng, tạo “sốt vé”: Cơ hội đầu cơ. Khi giá vé bán đi, bán lại được nâng lên đến 3-4 lần, thậm chí là 10 lần, trong khi có nhiều hình thức mua vé, sẽ dẫn đến tình trạng săn mua vé giá gốc bằng mọi cách. Chưa biết nhu cầu thực tế của người hâm mộ lớn đến đâu nhưng rõ ràng, số lượng vé được bán ra không quá nhiều đối với giới đầu cơ vé chuyên nghiệp. Họ sẵn sàng thuê người thay nhau xếp hàng mua vé bởi sự chênh lệch khi đến tay người xem là quá lớn. Trong trường hợp này, việc phân phối điện tử có nguy cơ còn bị giới đầu cơ thao túng nhiều hơn.

Vậy, bản chất của câu chuyện “sốt vé” không phải ở cách thức phân phối mà ở… sự nghiệp dư của nền bóng đá. 

Về lý thuyết, không có sân vận động nào trên thế giới đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người xem. Nói chính xác, “sốt vé” có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu. Tuy nhiên, nếu ở một đất nước có nền bóng đá chuyên nghiệp, người hâm mộ xem bóng đá như một thói quen thường xuyên chứ không chỉ là nhu cầu bất chợt. Họ bỏ tiền nhiều hơn cho các vé xem trọn mùa của CLB mà mình yêu thích, và vì thế nếu có lỡ mất 1 trận đấu của đội tuyển thì không  đến mức phải tiếc nuối. Điều này sẽ triệt tiêu ý định đầu cơ của dân phe. Ngược lại, tại Việt Nam, người ta sẵn sàng bỏ vài triệu đồng để xem 1-2 trận đấu chỉ vì đó là dịp gần như duy nhất họ đến sân vận động. 

Ở góc độ khác, với những trận đấu ở cấp độ đội tuyển, các nước tiên tiến luôn ưu tiên cho hệ thống hội CĐV tại các CLB. Đó là những người đã đóng góp trực tiếp cho nền bóng đá và đương nhiên họ có quyền được ưu tiên xem những cầu thủ của CLB mình chơi bóng trong màu áo đội tuyển. Ở ta, dù có phương thức bán qua đường công văn nhưng lại hoàn toàn không có cơ chế nào để xác định đó có phải là những người thực sự cần được phục vụ hay không?

Sẽ không bao giờ kết thúc những cơn sốt vé, cũng chẳng có phương thức nào tối ưu nếu việc đến sân xem bóng đá chỉ mang tính thị hiếu, nhất thời.

Tin cùng chuyên mục