Với khán giả Việt Nam, bóng đá vẫn không tạo sức hút lắm ở sự kiện thể thao châu lục này. Tuy nhiên, lần này lại khác. Độ nóng của sự kiện thể hiện khá rõ qua bản quyền truyền hình khi mới đây nhà đài VTV đã cho biết về khả năng không thể mua bản quyền để phát sóng các trận bóng đá và những môn thể thao khác tại Asiad để phục vụ khán giả.
Nhà đài cho biết, do đối tác nắm bản quyền là KJSMWORLD CORP đã đưa ra cái giá không thể chấp nhận nên khả năng họ không mua gói bản quyền là rất cao. Trong trường hợp đó xảy ra, khán giả Việt Nam sẽ không được xem trực tiếp diễn biến các môn thể thao tại Asiad. Điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì nếu…
Asia không có môn bóng đá. Tuyển U.23 Việt Nam tham dự Asiad lần này với tư cách Á quân châu Á, được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo, với đầy đủ thành phần cầu thủ đã từng “đốn tim” hàng triệu người hâm mộ trong thời gian qua.
Chính xác hơn, mọi thương lượng đều xoay quanh các trận thi đấu bóng đá, chứ không nhiều người quan tâm đề cập hay theo dõi diễn biến các môn thi đấu khác, dù đây là sự kiện thể thao cao nhất của châu lục.
Cho đến thời điểm này, đa số các nước đã có bản quyền Asiad, khán giả của họ chỉ chờ sự kiện khai màn. Những nước có sức hút lớn từ khán giả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Qatar… thậm chí đã có bản quyền từ cuối năm ngoái.
Những nơi chậm hơn thì đến nay cũng đã hoàn tất. Điều đáng quan tâm là trọn gói bản quyền Asiad mà các quốc gia này mua từ đối tác có giá hợp lý, chấp nhận được giữa hai bên.
Vậy nên, khá bất ngờ khi VTV công bố thông tin khả năng họ không mua được vì cái giá mà đối tác đưa ra trên bàn thương lượng là bất hợp lý. Trong trường hợp đối tác vẫn giữ giá thì nhà đài này sẽ không chấp nhận mua, như là cái cách để tránh cho đối tác “tự tung tự tác”.
Tuy nhiên, cũng như bản quyền World Cup mới đây, những người am hiểu không quá lo lắng bởi theo logic thì sớm muộn gì giá cả cũng sẽ trở về mức hợp lý. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có VTV tham gia thương thảo mua, nên trong trường hợp VTV không mua thì đối tác cũng không bán được cho ai khác.
Bản quyền Asiad là một món hàng không xài cũng sẽ mất đi, nếu đối tác không bán thì chính họ thiệt theo kiểu tự dưng mất tiền. Tất nhiên các đơn vị nắm bản quyền đều trông chờ vào áp lực của người hâm mộ của từng quốc gia để họ kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
KJSMWORLD CORP nghĩ rằng, khán giả Việt Nam đang từng ngày từng giờ mong chờ được theo dõi U.23 thi đấu nên họ mặc sức nâng giá, dù biết cái giá đó là bất hợp lý và quá sức của nhà đài.
Về lâu dài, có lẽ các nhà đài trong nước cũng nên tính đến đường xa chứ không chạy theo từng sự kiện hay mùa nào tính mùa đó. Một khi có kế hoạch dài hạn, tạo được uy tín và là đối tác tin cậy của các tổ chức thể thao trên thế giới thì khi đó vấn đề bản quyền sẽ không căng thẳng như hiện nay.