Những ngày này, đoàn thể thao Việt Nam được chia thành các nhóm, lần lượt lên đường sang Singapore để chuẩn bị tranh tài tại SEA Games lần thứ 28. Những chuyến đi ấy, cũng chẳng khác gì so với hàng chục lần xuất quân trước, với rất nhiều kỳ vọng, rất nhiều mục tiêu…
Hơn 10 năm trước, với chiến lược “đi tắt đón đầu”, thể thao Việt Nam đã thực sự tạo được dấu ấn khi vượt lên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 22 (năm 2003) tổ chức trên sân nhà. Cũng từ thời điểm đó, thể thao Việt Nam đã thực sự chuyển mình để luôn góp mặt trong nhóm 3 đoàn có thành tích tốt nhất sau mỗi kỳ đại hội thể thao khu vực. Cũng từ nền tảng đó, những người có trách nhiệm với thể thao Việt Nam từng nghĩ đến những mục tiêu xa hơn, cao hơn chứ không chỉ quanh quẩn với đấu trường SEA Games. Thế nhưng…
![]() |
Đoàn thể thao Việt Nam tại buổi khai mạc SEA Games 27 – 2013. Ảnh: Nhật Anh
Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu lớn nhất của thể thao Việt Nam vẫn là SEA Games. Và trên thực tế, năng lực của VĐV Việt Nam cũng chỉ đủ tầm tranh chấp huy chương ở đấu trường này. Những VĐV tài năng, có tố chất đặc biệt như Hoàng Anh Tuấn, Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương… cũng chỉ thực sự “làm trùm” ở đấu trường SEA Games chứ cũng chưa hề giành được HCV Asiad hay Olympic. Hiện nay, Hoàng Anh Tuấn, Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, người đã giải nghệ, người vẫn còn vật lộn với chấn thương chưa biết khi nào mới trở lại thì sau lưng họ là khoảng trống mênh mông. Nói cách khác, thể thao Việt Nam vẫn chỉ chăm chăm vào đấu trường SEA Games mà chưa hề có chiến lược, có sự đầu tư dài hơi cho những mục tiêu xa hơn, cao hơn.
Những người chấp bút xây dựng chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam theo cách “đi tắt đón đầu” từng kỳ vọng xem SEA Games là bước đệm để hướng đến những sân chơi đẳng cấp hơn như Asiad, Olympic. Thế nhưng trên thực tế, thể thao Việt Nam hầu như chỉ giậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi ở một số môn. Nó khác hẳn với Thái Lan, Malaysia, khi những đối thủ này xác định đâu là những thế mạnh cần phải tập trung đầu tư để “đánh” Asiad, Olympic chứ không đổ đồng để kiếm huy chương tại SEA Games. Thậm chí, người Thái còn cho VĐV trẻ tham dự SEA Games ở các môn như điền kinh, bóng chuyền, taekwondo còn những VĐV chủ lực chỉ lo tập trung cho đấu trường châu lục và thế giới.
Vậy nên, cứ mỗi độ SEA Games, từ quan chức, HLV, VĐV… lại rục rịch chuẩn bị, xuất quân, thi đấu, và sau đó là… về, còn làm sao để nâng tầm cho thể thao Việt Nam đủ sức cạnh tranh ở những đấu trường lớn hơn, đẳng cấp hơn thì cứ… từ từ rồi tính?
Hải Nam