Nhìn V-League hay các giải đấu trong nước sẽ thấy rất rõ điều này; riêng cấp độ đội tuyển thì tùy giai đoạn mà tư duy chiến thuật cầu thủ có được nâng lên hay không.
V-League là giải đấu cao nhất của bóng đá trong nước. Hơn 10 năm chuyển sang bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp, V-League đã hội tụ nhiều yếu tố để có thể trở thành giải đấu ngày càng chất lượng như nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, thị trường chuyển nhượng khá sôi động, không ít HLV và cầu thủ nước ngoài chất lượng gia nhập các đội bóng, sự quan tâm lớn của người hâm mộ… Bóng đá Việt Nam nói chung cũng một phần từ đó mà phát triển, nhất là các đội tuyển tùy từng thời điểm khác nhau đã gặt hái được không ít thành công trên đấu trường khu vực. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và điều kiện thực tế, bởi cầu thủ trong nước dường như vẫn còn “sức ì” rất lớn.
Thất bại ở SEA Games 29 vừa qua là thất bại khó chấp nhận nhất. Tất cả đều phải thừa nhận rằng, đây là giai đoạn mà đội tuyển có được lứa cầu thủ tốt và đồng đều nhất từ trước tới nay. Tốt ở chỗ họ đều xuất thân từ các lò đào tạo uy tín, được đào tạo bài bản, phát triển trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, được sự ủng hộ lớn nhất từ nhiều phía… Trong nhiều giai đoạn trước đây, đội tuyển ít khi có được đội hình đều tắp, khó chọn vị trí chính thức hay dự bị như bây giờ. Ở những lần SEA Games trước, chỉ cần một vị trí chính thức bị chấn thương là ảnh hưởng đến chiến thuật toàn đội bởi ít có sự thay thế phù hợp. Tuy vậy, “sức ì” của các cầu thủ một lần nữa khiến đội tuyển thua đau, hay nói đúng hơn không nhiều tuyển thủ biết chơi bóng trong môi trường đỉnh cao.
Vị chuyên gia nói trên cho rằng, cầu thủ Việt Nam cần cải thiện… sự thông minh và tự tin hơn khi chơi bóng, họ phải có nhiều giải pháp trong một tình huống bóng. Dễ hình dung là khi xem các cầu thủ châu Âu, mỗi khi nhận bóng là họ đã có hàng loạt phương án xử lý chứ không phải chỉ biết một đường chuyền duy nhất. Những điều này không phải xa lạ, nhất là cầu thủ Việt Nam hiện nay đều được đào tạo bài bản ở các lò đào tạo do nhiều chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Có lẽ vấn đề là ở sự tiếp thu cũng như áp dụng vào thực tế. Và quan trọng hơn cả là vai trò của HLV trong việc đề ra và vận dụng chiến thuật như thế nào để cầu thủ có thể trở nên thông minh và tự tin hơn trong thi đấu. Dưới góc độ này và nhìn lại thực tế mới thấy giai đoạn nào có HLV ngoại dẫn dắt thì cầu thủ tự tin và chơi chiến thuật sáng hơn.
Calisto, A.Riedl là hai HLV để lại ấn tượng sâu đậm nhất về tư duy chiến thuật. Dưới bàn tay của hai ông, đội tuyển luôn thi đấu mạch lạc dù lực lượng lúc đó khá mỏng. Có giai đoạn, ông Calisto phải đi khắp các CLB để “đãi cát tìm vàng”. Những cầu thủ chưa ai biết đến qua bàn tay của ông trở thành những trụ cột sau này. Đó hẳn nhiên là nhờ tư duy chiến thuật của HLV đã được cầu thủ nắm bắt nhanh và áp dụng hợp lý. Dù HLV nội hiện nay có những người khá giỏi nhưng vẫn chưa thể giúp cầu thủ của mình “thông minh và tự tin” hơn khi thi đấu. Đó là mấu chốt lý giải vì sao bóng đá Việt Nam vẫn mãi thăng trầm qua từng thời kỳ.