Ngày mai (25-1) tại Hà Nội, BCH Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) sẽ nhóm họp, kể chuyện cũ thì ít, bàn về tương lai chắc sẽ nhiều hơn. Quan trọng nhất, theo chính những người sẽ tham dự cuộc họp đó, tức là xây dựng được một lộ trình hoạt động đàng hoàng trong năm 2013 cho bóng chuyền, đồng thời bàn phương án nhân sự cho Đại hội của VFV nhiệm kỳ 6 vào tháng 7…
HỌP CHO VUI THÌ... ĐỪNG HỌP!
Thường thì chính các ủy viên trong Ban chấp hành VFV nhiệm kỳ 5 rất ngại họp, vì nhiều người thừa nhận xuất hiện chỉ để cho “xôm tụ”, chẳng giải quyết được vấn đề gì. Muốn bày tỏ ý kiến góp ý, xây dựng cho bóng chuyền nước nhà tốt hơn - tức là nói thẳng và nói thật - thì bị gạt đi, hoặc được khỏa lấp bằng hình thức khác: lãnh đạo nói nhiều, nói đến gần hết giờ họp chính, thời gian còn lại không đủ để các ủy viên giãi bày chính kiến…
Tâm lý ngại họp BCH xuất hiện từ lâu rồi, hiếm khi quy tụ đầy đủ các ủy viên. Chỉ được nghe và không được nói thì theo nhiều người, xuất hiện vừa phí thời gian, lại vừa vô bổ, thậm chí có người tức vì cái suy nghĩ “ban phát” của người điều hành VFV. Thành ra, trước cuộc họp BCH VFV vào ngày mai, một số ủy viên đã cho biết sẽ… ở nhà cho lành!
Ừ thì cứ coi như BCH VFV họp tổng kết hoạt động năm 2012 thiếu vài người cũng được. Nhưng điều quan trọng là, cuộc họp ngày mai có giúp bóng chuyền giải quyết được những vấn đề tồn tại mà theo ông Trần Đức Phấn - người vẫn tạm điều hành VFV khi chưa có TTK mới - sẽ mở ra một tương lai mới cho bóng chuyền nước nhà.
Còn họp cho vui, tổng kết cho xong năm cũ và chỉ bàn “sơ sơ” về hoạt động của năm mới thì có lẽ VFV nên xem lại, không họp thì không… chết ai cả.
NĂM 2013: NHIỀU BIẾN ĐỘNG?
Bỏ ngoại binh sau 9 năm sử dụng để phát huy nguồn nội lực, đấy có lẽ là dấu ấn hiếm hoi mà BCH VFV nhiệm kỳ 5 làm được. Như vậy, kể từ mùa bóng 2013 trở đi, 24 CLB dự giải VĐQG và hạng A buộc phải quay trở về với phương án dùng nội binh.
Chắc chắn sẽ có những rối loạn nhất định, đặc biệt ở các đội bóng xưa nay coi nhẹ công tác đào tạo trẻ như Ngân hàng Công thương, Đức Long Gia Lai, TĐDK quốc gia… Thị trường chuyển nhượng cầu thủ trước mùa giải mới vì thế vẫn ồn ào chứ không đìu hiu như người ta tưởng. Trên thực tế, hiện đã xảy ra nhiều vụ chèo kéo, rủ rê VĐV đội này về đội khác thi đấu, bắt đầu khiến người trong giới bức xúc.
Vẫn còn nhiều kẽ hở trong Quy chế chuyển nhượng VĐV, đầy những khiếm khuyết trong định hướng chuyên nghiệp hóa các đội bóng, tức là toàn vấn đề sát sườn cả nhưng VFV chưa tìm ra cách để giải quyết, ít nhất là cho đến khi nhiệm kỳ 5 này kết thúc. Ngay cả ý tưởng thu gọn số đội bóng dự giải VĐQG từ 12 xuống còn 10 hoặc 8 đội có từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ người điều hành mới đặt lên bàn thảo luận. Thậm chí, người trong giới bóng chuyền còn nhỏ to với nhau, rằng ý tưởng đó thuộc về một vài cá nhân tâm huyết chứ không hẳn do ông TTK VFV vạch ra.
Năm 2013, bóng chuyền Việt Nam dứt khoát sẽ có nhiều biến động. Nguy cơ một số đội bóng phải ngưng đầu tư vẫn hiện hữu, nhân sự chuẩn bị cho ĐH nhiệm kỳ 6 (Chủ tịch, TTK…) chưa đâu vào đâu, chưa có sự chuyển biến đáng kể về lực lượng cho các đội tuyển quốc gia dự tranh những giải đấu quan trọng trong năm…
LÊ QUANG