Đối đầu trực diện cùng cường quốc thể thao Mỹ trên bảng tổng sắp huy chương Olympic Paris 2024, không thể phủ nhận sự xuất sắc của các VĐV Trung Quốc trong những ngày vừa qua. Trung Quốc vẫn giữ được thế mạnh ở các môn bắn súng, bóng bàn, cầu lông, lặn. Tuy nhiên, sự xuất sắc đặc biệt của đoàn thể thao Trung Quốc phải kể đến môn bơi.
Lần đầu tiên sau rất nhiều kỳ Olympic, đội tuyển bơi Trung Quốc có HCV đi kèm với kỷ lục thế giới. Kình ngư Pan Zhanle không chỉ thắng ở nội dung gây cấn nhất (100m tự do nam) mà còn phá kỷ lục thế giới. Nam kình ngư 20 tuổi đã hoàn thành phần thi của mình với thành tích 46 giây 40, phá kỷ lục thế giới do chính anh xác lập tại Doha, Qatar vào đầu năm với thành tích 46 giây 80.
Hay trong phần thi 4x100m tiếp sức hỗn hợp nam, 45 giây 92 là thông số đầy ngỡ ngàng mà Pan Zhanle tạo ra trong lượt bơi cuối 100m tự do nam. Cú nước rút thần tốc của anh giúp Trung Quốc từ vị trí thứ 3 vươn lên chạm thành bể đầu tiên, qua đó giành tấm HCV nội dung này với kết quả 3 phút 27 giây 46. Tuyển Mỹ chỉ có được HCB và Pháp giành HCĐ. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ Olympic 1984, Mỹ không thể giành chiến thắng ở nội dung 4x100m tiếp sức hỗn hợp nam.
Nếu ở thời gian trước đây, Trung Quốc sẽ tập trung vào các môn không được phương Tây chú trọng đầu tư, hay bộ môn không được nhiều người tham gia phổ biến rộng rãi. Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong những năm gần đây, họ cho thấy tham vọng hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc thể thao.
Thể thao Trung Quốc không muốn mãi mang tiếng chỉ mạnh ở các môn mà phương Tây khó phát triển, mà họ tấn công thẳng vào nhóm môn cơ bản của Olympic như điền kinh và bơi, từng bước biến nó thành "mỏ vàng" cho đất nước tỷ dân tại các kỳ Thế vận hội. Các tuyển thủ Trung Quốc giờ đây có thể so tài sòng phẳng cùng VĐV đến từ các cường quốc như: Mỹ, Australia, Anh, Nam Phi…Và điều đó đã được thể hiện rõ nét tại Olympic Paris 2024.
Tất nhiên để sánh ngang với các cường quốc phương Tây trên đấu trường Olympic, hệ thống tuyển chọn và đào tạo VĐV của Trung Quốc được đánh giá là vô cùng khắc nghiệt. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư rất lớn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất trong việc đào tạo và bồi dưỡng VĐV. Biết đâu ở những kỳ Olympic tiếp theo, những tấm HCB và HCĐ từng đạt được ở Paris 2024 có tiềm năng sẽ được đổi màu.