Cúp bóng chuyền Hoa Lư 2012 sẽ khởi tranh tại Ninh Bình từ ngày 9 tới 12-2. Giải đấu khởi động đầu năm sẽ chưa có nhiều biến động nhưng chắc chắn một điều, người hâm mộ sẽ không còn thấy một số gương mặt quen thuộc của các đội bóng hàng đầu. Trong số ấy, Kim Huệ, Văn Tuấn, Thanh Tùng đã rời đội bóng cũ…
Thông tin giã biệt hoa khôi!
Vậy là sau hơn 13 năm với vô số buồn, vui, thành công và thất bại, kể từ năm 2012, phụ công Phạm Kim Huệ không còn phục vụ trong đội hình của Thông tin. Nguyên cớ Kim Huệ nói lời chia tay với nơi tạo dựng sự nghiệp cho cô thật dễ hiểu. Cô cũng đã ở bên kia đỉnh cao sự nghiệp và khi bước vào độ tuổi 30, cũng là lúc gương mặt khả ái nhất của làng bóng chuyền nữ cần nhiều thời gian hơn lo toan cho gia đình. Thực ra, chuyện Kim Huệ chia tay đội nữ Thông tin không mới.
Ý định này đã được Huệ thông báo và đề nghị lên lãnh đạo đội bóng từ khi chuẩn bị mùa giải 2011. Hết mùa bóng 2011 cũng là lúc Kim Huệ hoàn thành nghĩa vụ (với đội bóng nữ Thông tin, một cầu thủ thực hiện đủ nghĩa vụ tức là hoàn thành hết 13 năm kể từ khi được thi đấu). Vì vậy, cô đã xin ra quân để tìm hướng phát triển mới.
Sự ra đi của Kim Huệ ít nhiều kèm theo sự tiếc nuối với riêng người hâm mộ đội nữ Thông tin bởi đây chính là VĐV được người ta nhớ nhất. Khán giả thường xuyên dõi theo bóng chuyền nữ nước nhà nhiều năm trở lại đây khi bước vào nhà thi đấu có ĐTQG nữ hay CLB Thông tin luôn là câu hỏi: “hôm nay, không biết cái cô Huệ xinh xinh có thi đấu hay không?”, hoặc “giải thi đấu, bầu chọn hoa khôi thì phải là Kim Huệ”. Chia tay chẳng ai muốn, nhưng đã là 1 cầu thủ chuyên nghiệp điều gì đến cũng sẽ phải đến.
Bến đỗ mới của Kim Huệ là CLB Hà Nội (tiền thân là CLB nữ Bưu điện Hà Nội). Năm rồi, Hà Nội đã rớt hạng, nhưng với Kim Huệ việc phải chơi bóng ở hạng dưới cũng không đáng quan ngại. Ít nhất, cô vẫn là đầu tầu của 1 đội bóng. Xa hơn, ngoài yêu cầu thi đấu để đưa đội trở lại giải VĐQG, phụ công này còn nhận nhiệm vụ trong Ban huấn luyện tuyến trẻ của bóng chuyền nữ Hà Nội.
Nếu bảo Kim Huệ là 1 biểu tượng của bóng chuyền nữ Thông tin có thể nhiều người phản ứng rằng điều ấy hơi quá. Nhưng rõ ràng, qua những đóng góp về chuyên môn thì cô cũng xứng đáng được coi là VĐV đáng nhớ trong lịch sử hình thành đội bóng này. Bây giờ, Thông tin đã không còn sự phục vụ của cô, nhưng bản thân Kim Huệ chưa rời khỏi sàn đấu mà cật lực hơn để hoàn thành trọng trách nặng nề cùng bóng chuyền Hà Nội.
Ai sẽ là đầu tầu ở Long An ?
Câu chuyện Phạm Kim Huệ rời đội bóng ruột Thông tin ít nhiều để lại sự tiếc nuối thì với nam, bóng chuyền Long An cũng đang rối như canh hẹ khi 2 thủ lĩnh của họ gồm phụ công Huỳnh Văn Tuấn, chuyền 2 Trần Thanh Tùng cũng giã biệt. Người trong nghề bảo, mất Thanh Tùng cũng chính là đội nam Long An đã không còn đàn anh tinh thần của CLB.
Điều này đúng ở cả nghĩa đen. Ít người hiểu, về mặt bên ngoài họ là dàn cầu thủ khá lành tính thi đấu chung sức trên sân nhưng thật sự, mỗi cá thể đều sở hữu cái tôi rất lớn. Vì thế, tiếng nói của đàn anh như Thanh Tùng (sinh năm 1976) luôn có trọng lượng nhất định nhằm tạo một sự đồng thuận.
Sau Thanh Tùng, Huỳnh Văn Tuấn cũng là VĐV tự hào của bóng chuyền nam Long An và sự ra đi của phụ công này được nhận định là cú sốc lớn cho toàn đội. Rời Long An, cả 2 cầu thủ về nơi mới Maseco TPHCM và rõ ràng sự lưu luyến với nơi giúp họ thành danh thì vẫn còn. Dễ hiểu, khi cuộc chơi bóng chuyền đang dần dần đi vào bán chuyên nghiệp thì cầu thủ cũng phải tiếp nhận sự đổi mới ấy.
Khó thể trách Kim Huệ, Văn Tuấn hay Thanh Tùng nếu cắc cớ vì sao họ không trung thành cho một màu cờ sắc áo. Bởi lẽ, khi cầu thủ chưa no bụng, ấm được lòng thì sao họ có thể lo cho tương lai, gia đình và việc phải ra đi cũng là điều tất yếu.
NGUYỄN ĐÌNH