Trung bình mỗi năm, có đến 6 đội tuyển U21 hoặc U23 của Nhật Bản hoàn toàn khác nhau được xoay tua cử đi tham gia những giải quốc tế. Hệ thống bóng đá tuyến trẻ của Nhật Bản hầu như độc lập với đội tuyển quốc gia, vốn chỉ tuyển chọn những người xuất sắc nhất từ CLB. Mô hình phát triển bóng đá ấy của Nhật Bản được lấy từ châu Âu, nơi luôn có sự rạch ròi giữa việc xây dựng nền móng và phát triển đỉnh cao. Mô hình này thường khác với những nước có nền bóng đá đang phát triển như Việt Nam, nơi vì một số nhu cầu cấp bách mà thường tận dụng tối đa các tài năng trẻ. Trường hợp của thế hệ á quân châu Á 2018 là ví dụ, hoặc như trường hợp của lứa Văn Quyến, Quốc Vượng trước đây.
Chính vì thế, khi VFF thay thế Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede người Đức bằng việc ký hợp đồng với chuyên gia người Nhật Bản Yusuke Adachi, ít nhiều cũng cho thấy một lộ trình hợp lý cho bóng đá Việt Nam. Người ta đã từng đoán “phù thủy” Troussier sẽ đảm nhiệm cương vị này thông qua mối quan hệ tài trợ của PVF, nhưng chọn một chuyên gia Nhật vẫn tạo ra sự yên tâm hơn cho dù mức độ nổi tiếng thì không thể bằng. Ông Jurgen Gede đã có công lớn trong việc phát triển lứa U19 giành vé dự U20 World Cup, nhưng điều mà bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn nữa đó là một chiến lược dài hơi cho bóng đá trẻ nhằm phục vụ cho tham vọng dự World Cup 2026 hoặc 2030. Nói cách khác, chúng ta cần nhiều lứa U19, U21 có sự kế thừa mang tính liên tục, một hệ thống những tuyến trẻ có số lượng đông đảo hơn. Đây là lúc mà những công nghệ, cách làm căn cơ của bóng đá Nhật Bản sẽ giúp ích rất nhiều.
Năm 2008, khi giải ngoại hạng Thái Lan chỉ mới ra đời, đội tuyển quốc gia thì sa sút có hệ thống, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan đã bổ nhiệm một chuyên gia Nhật Bản tương đối vô danh làm giám đốc kỹ thuật và giữ ông này đến tận 7 năm. Sau giai đoạn 2008-2012 rất kém cỏi, bóng đá Thái Lan đã trở lại ngoạn mục và đến bây giờ, họ vẫn đang trung thành với các lựa chọn từ Nhật Bản. Xét về các yếu tố tương đồng, nếu bóng đá Việt Nam chọn Nhật Bản làm mô hình để học như người Thái đã làm, cũng là điều hợp lý.
Chỉ có điều, không biết chúng ta sẽ đủ kiên nhẫn để theo đuổi chiến lược này bao lâu. Khoảng hơn 5 năm trước, VFF cũng đã có quyết sách chọn Nhật Bản làm mô hình. Chúng ta có HLV người Nhật, có chuyên gia Nhật sang chỉ đạo ở V-League, có trọng tài Nhật sang điều hành và những công ty Nhật Bản tham gia tài trợ. Nhưng mọi thứ không suôn sẻ và cũng chưa có một bảng tổng kết cụ thể nào về giai đoạn này. Hy vọng, việc bổ nhiệm ông Yusuke Adachi dự kiến vào đầu tháng 7 này, sẽ là một khởi đầu mới.