Trên bình diện thế giới, một số môn phải hủy toàn bộ mùa giải, các môn có cơ hội trở lại sớm sẽ lấy khán giả của những môn chưa thi đấu được. Những môn có khán giả ngoài trời sẽ được khán giả cảm thấy an toàn hơn so với các môn trong nhà. Xem thi đấu qua truyền hình, internet sẽ là lựa chọn ưu tiên. Các yếu tố nói trên, về lâu dài, quyết định đến những khoản doanh thu bản quyền truyền hình, bán vé… cũng như mức độ phổ biến đến công chúng.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại thiệt hại do dịch Covid-19 không nhiều, do thể thao Việt Nam có “ít thứ để mất”, nhưng về lâu dài, thể thao Việt Nam nhận hậu quả lớn hơn. Lấy ví dụ, cũng là “tập chay” (không thi đấu, không đối thủ), nhưng với các VĐV ở những nơi có cơ sở vật chất tốt thì đạt hiệu quả cao hơn. Quá trình này càng kéo dài, VĐV của Việt Nam sẽ càng thiệt thòi. Kế đến, dịch bệnh khiến các sự kiện thể thao nhà nghề sớm lắm phải đến tháng 7 mới trở lại. Với những giải nghiệp dư, bán chuyên mà VĐV Việt Nam hay tham gia thì còn chậm trễ hơn do mức độ ít cấp thiết của nó.
Dẫn đến, trên cùng một nội dung thi đấu, VĐV Việt Nam chịu thiệt thòi so với VĐV đang thi đấu nhà nghề. Thế nên, dù Olympic 2020 lùi lại một năm thì thể thao Việt Nam cũng chẳng tăng thêm cơ hội tham gia. Còn trường hợp xấu nhất là Thế vận hội bị hủy bỏ, thì sự tụt hậu về chuyên môn của thể thao Việt Nam còn rõ ràng hơn vì mất đi các sự kiện để cọ xát. Với thể thao đỉnh cao, càng ít thi đấu, càng chậm tiến bộ. Để có chiếc huy chương vàng lịch sử Olympic, xạ thủ lão luyện Hoàng Xuân Vinh phải đạt thành tích ổn định ở các cúp bắn súng thế giới hàng năm, cộng với hơn 20 năm trong nghề với hàng trăm sự kiện lớn nhỏ.
Nên sau dịch Covid-19, có thể thấy thể thao Việt Nam ở trong tình trạng đã bị bỏ lại phía sau một quãng đường dài, phải “chạy” thật nhanh trên nhiều phương diện. Chúng ta có một lợi thế, đó là khả năng trở lại sớm hơn nhờ kiểm soát tốt dịch. Nhưng liệu thể thao có làm được như các lĩnh vực khác hay không, đó mới là vấn đề. Nếu không thúc đẩy nhanh việc xã hội hóa, phát triển hệ thống thi đấu chuyên nghiệp, hòa nhập nhiều hơn với thế giới nhà nghề thì VĐV sẽ thiệt thòi trong việc phát triển tài năng.
Mô hình tập trung ở cấp độ đội tuyển, lấy các giải đấu quốc tế làm cơ hội rèn luyện và nâng cao thu nhập cho VĐV có thể sẽ không còn khả thi nếu số lượng sự kiện quốc tế bị giảm nhiều trong tương lai. Các VĐV cần có nguồn thu nhập và thời gian thi đấu nhiều hơn ngay trong nước, tất nhiên khi đó những nhà quản lý phải năng động hơn để tăng số giải đấu hoặc hình thức thi đấu phù hợp.