Cái tát kinh khủng

Chỉ vì một chiếc thẻ đỏ ở phút thứ 14, nhà vô địch Chelsea đã dễ dàng bị dẫn 0-3 rồi thua chung cuộc 2-3 trước một Burnley rõ ràng chẳng có gì lợi hại, một Burnley chỉ kiếm được đúng một trận thắng sân khách trong 2 năm trước.
Chelsea phải hứng chịu thất bại cay đắng trong ngày khai màn
Chelsea phải hứng chịu thất bại cay đắng trong ngày khai màn
Giới bình luận bóng đá Anh đã từ lâu nhận định là Chelsea sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ chức vô địch, nhưng có lẽ họ vẫn không ngờ cái tát khủng khiếp này lại giáng xuống sớm đến thế. 
 
1- Chỉ 10 phút sau khi trung vệ đội trưởng Gary Cahill bị phạt thẻ đỏ trực tiếp, Chelsea đã lọt lưới quả thứ nhất. Đến phút 39, họ thua thêm quả thứ nhì và sau 5 phút nữa thì dính tiếp bàn 0-3. Trong cơn choáng váng tột độ đang khiến cho toàn bộ khán giả Chelsea chết lặng, chắc đã có không ít người tin rằng với đội hình kiểu đó và đá kiểu đó thì chỉ có thua thêm chứ làm sao gỡ lại được - dù thực tế là tiền đạo Morata đã vào sân ghi một bàn, rồi kiến thiết cho hậu vệ David Luiz gỡ thêm một bàn trong hiệp nhì. 

Họ chỉ gỡ cho thất bại chung cuộc bớt tủi hổ mà thôi, chứ họ không thể gỡ hết gánh nặng ra khỏi tâm trí. Từ năm 1998 đến nay, ngay cả khi không phải là ĐKVĐ, Chelsea cũng chưa bao giờ thua vòng đấu mở màn như thế này. Từ lúc chuyển sang chiến thuật 3-4-3 ở mùa trước đến nay, Chelsea cũng không hề có trận nào thua trước tới 3 bàn như thế này. Thầy trò HLV Conte đăng quang ở mùa bóng 2016-2017 với kỷ lục 30 trận thắng, trong khi đối thủ Burnley lại là một trong những đội đá sân khách dở nhất. Qua 2 năm trời, Burnley chỉ thắng trên sân đối phương được đúng 2 lần - thế mà lần thứ nhì này lại là thắng ngay trên sân Chelsea. 

Với Stamford Bridge, đây rõ ràng là một cái tát kinh khủng. 
 
2-  Đã xảy ra chuyện gì? Có nhiều nguyên nhân. Và cũng thật hiển nhiên. Trong đó, có một nguyên nhân hiển nhiên đến mức ngay chính những CĐV đang rối trí nhất, đang tái tê nhất cũng nhìn ra - và Conte cũng phải thừa nhận ngay lập tức. “Chiếc thẻ đỏ rõ ràng là một thời điểm mấu chốt, vì chúng tôi đã mất bình tĩnh sau đó và lọt lưới 3 bàn. Sẽ phải cải thiện rất nhiều về khía cạnh này, bởi tình huống tương tự có thể sẽ lại xảy ra”. 
Nghe vậy, ắt hẳn người hâm mộ Chelsea sẽ lại hỏi dồn Conte bằng một loạt câu hỏi khác: Các học trò của ông đã bỏ quên bản lĩnh vô địch ở đâu mà lại dễ mất bình tĩnh đến thế? Đáng nói hơn, Conte đứng ở đâu mà lại không can thiệp và chỉ đạo kịp thời ở những lúc khó khăn? 

Câu trả lời: Ông vẫn đứng ở chỗ ông thường đứng, tức là ngay phía trước hàng ghế dành cho HLV và cầu thủ dự bị của Chelsea. Nhưng thay vì liên tục chạy ra chạy vào, không ngừng gào la và chỉ trỏ lia lịa để chỉ thị lối chơi cho cầu thủ như trước đây, Conte trận này lặng thinh hơn hẳn. Trong suốt cái quá trình bị lọt lưới quả thứ nhất, thứ nhì rồi thứ ba, Conte chỉ rầu rầu hướng bộ mặt buồn bã vào sân chứ chẳng làm gì. Nửa như giận hờn, nửa như cam chịu vậy. 

3- Và ông đưa ra những quyết định chắc chắn đã làm khán giả trận đấu không khỏi băn khoăn. Dàn trung vệ Chelsea bao gồm Cahill-Luiz-Rudiger khi nhập cuộc, tức là ngay từ đầu đã có một vị trí chưa lần nào xuất trận ở Premier League. Sau khi Cahill bị truất quyền thi đấu, con số chưa lần nào ấy tăng lên thành 2. Conte đã đổi tiền vệ Boga (cũng một tân binh) và đưa trung vệ Christiansen vào. Tại sao ông không kéo Azpiicueta từ cánh phải về đá trung vệ, vai trò mà cầu thủ này đã quá quen thuộc ở mùa trước? 

Rudiger và Christiansen không hề kém, nhưng sự bỡ ngỡ-thiếu ăn ý trong phối hợp phòng thủ đã quá rõ ràng. Ở địa điểm mà Stephen Ward sút một quả chéo góc trái tuyệt đẹp, nâng tỷ số lên 2-0 cho Burnley, không hề có Christensen hoặc Rudiger nào hiện diện để cản ngăn mà chỉ có bóng hình thấp bé của tiền vệ Kante. 

Chưa hết, lúc một cầu thủ Burnley sắp sửa câu bóng chéo cánh phải vào trung lộ ở pha ghi bàn phút thứ 43, nếu Rudiger giữ vị trí thì tay làm bàn Sam Vokes chắc đã bị phạt việt vị rồi. Nhưng Rudiger chẳng hiểu sao khi ấy lại di chuyển vòng xuống dưới ra phía ngoài. Sự “ra đi” ấy vừa giúp Vokes không bị việt vị lại vừa tạo ra một khoảng trống thoải mái cho cầu thủ này đánh đầu. Chắc cũng vì lý do này mà trung vệ David Luiz ở kế bên đã chán nản ra mặt.  

4- Về tấn công cũng vậy. Alonso ở cánh trái bị tách xa đồng đội. Tiền đạo Batshuayi ở phía trên quá vô vọng giữa muôn trùng vây của Burnley. Nỗ lực đi bóng đột phá của Willian ở cánh phải càng trở nên đơn độc. Tại sao Conte vẫn để tình trạng ấy kéo dài? Tân binh Morata là một tiền đạo hoạt động độc lập tốt và cũng biết liên kết tốt với các vị trí chung quanh nhưng tại sao không được vào sân sớm hơn? Có phải Conte cố tình sắp xếp như thế và điều chỉnh như thế cho ban lãnh đạo Chelsea sáng mắt ra, để mau mắn mua thêm những cầu thủ mà ông cần? 

Câu hỏi “độc địa” ấy đã được báo chí Anh nêu thẳng với Conte trong cuộc họp báo sau trận đấu. Câu trả lời của ông rõ ràng đầy tức giận: “Tại sao lại hỏi tôi như vậy? Quý vị không hài lòng với đội hình của tôi chăng? Quý vị chẳng hiểu rõ gì tôi. Trong bất cứ trận đấu nào, kể cả giao hữu, tôi cũng vẫn tung ra thành phần mạnh nhất đang có. Tôi muốn thắng. Tôi thật sự muốn thắng. Tại sao tôi lại phải gởi một thông điệp nào đó đến ban lãnh đạo theo kiểu này? Tôi không thích cái kiểu hỏi tôi như thế!”. 

Không thích thì cũng đã... hỏi rồi. Không muốn thì cũng đã thua rồi. Sẽ mất bao lâu để thầy trò Conte nguôi ngoai, gượng dậy sau thất bại trời giáng này?

Tin cùng chuyên mục