Cái giá của một tin nhắn

Tại sao lại có chuyện HLV Conte gởi tin nhắn “không tính tôi vào kế hoạch mùa giải mới” như Costa đã kể? 
Phút nóng giận của HLV Conte đã đẩy bản thân ông và ban lãnh đạo vào tình huống khá phức tạp.
Phút nóng giận của HLV Conte đã đẩy bản thân ông và ban lãnh đạo vào tình huống khá phức tạp.
Theo báo chí Anh, dự tính ấy ắt hẳn đã có sẵn trong đầu nhưng để nổ tung ra vào lúc không hề phù hợp như thế này thì vẫn phải có một mồi lửa. Và mồi lửa ấy chính là thái độ của Costa. Nhật báo Guardian cho biết: Conte lúc đầu chỉ nhắn tin chi tiết về những gì Costa cần làm để chuẩn bị thể lực trong mùa hè này. Anh ta trả lời bằng thái độ thờ ơ lãnh đạm. Thế là có nổi nóng, với kết cục chính là cái tin nhắn nêu trên. 
Như vậy cũng phải thôi. Lúc Costa gây lộn với HLV thể lực và cãi với cả Conte vào tháng 1, ông từng thẳng tay loại anh khỏi đội hình bất chấp trận Premier League với Leicester khi ấy rất quan trọng. Khi Costa sừng sộ, va chạm với cả dàn hậu vệ Stoke sau chưa đầy 30 phút, Conte gọi ngay Batshuayi ra khởi động và sẵn sàng bứng Costa khỏi sân... Những câu chuyện ấy và chuyện nhắn tin mới đây có một mẫu số chung: Costa nóng nảy thì Conte lại càng ngùn ngụt lửa. Là HLV trưởng, ông không thể cho phép cầu thủ dưới quyền muốn làm gì thì làm. 
Báo Daily Telegraph tiết lộ rằng Diego Costa đã phản ứng bằng cách liên lạc với ban giám đốc Chelsea. Anh ta bắt họ phải xúc tiến chuyển nhượng dựa theo các yêu cầu do chính anh ta đề ra. Điều này càng cho thấy Costa ngang ngạnh như thế nào - và mối quan hệ của anh ta với CLB cũng hết cứu chữa được rồi. Để đáp lại, bà giám đốc Marina Granovskaia khẳng định Costa chẳng có tư cách nào đòi hỏi chuyện đàm phán hợp đồng, chuyển nhượng như thế nào là quyền của CLB. Thái độ quả là cũng rất cứng rắn. 
Tuy nhiên, vấn đề vẫn có thể phát sinh từ đây. Với 26 bàn thắng trong 46 trận đấu ở các giải khác nhau trong mùa bóng vừa qua, đương nhiên Costa là một tay săn bàn có hạng. Một tiền đạo vừa săn bàn tốt như thế, vừa có lối chơi khiến cho mọi hàng phòng thủ phải sợ thì rõ ràng không thể có giá bèo được. Có điều, bán Costa nhân lúc có nơi cần mua thì sẽ khác xa với khi bán Costa chỉ vì Chelsea buộc phải bán. Vì sự đổ vỡ giữa Costa với Chelsea như thế này, những nơi muốn mua Costa thế nào rồi cũng tìm cách đè giá xuống ít nhất là vài triệu bảng Anh - cả Guardian lẫn Telegraph đều nhận định như vậy. 
Không chỉ có nguy cơ thiệt hại về chuyện bán, Chelsea còn có thể tốn thêm về chuyện mua. Nhà vô địch Anh đang nhắm tới chân sút Lukaku của Everton, đang hy vọng Everton bớt xuống dưới 100 triệu - điều đó đã rõ như ban ngày. Thế nhưng, Chelsea càng gấp rút tìm người thay thế Costa thì Everton càng có cơ sở để giữ giá Lukaku, thậm chí còn có thể tăng giá thêm nữa. Suy cho cùng, với CLB nào cũng vậy và ở đâu cũng vậy, thị trường cầu thủ thì cũng là... thị trường.

Tin cùng chuyên mục