Các trường phổ thông năng khiếu TDTT: Thiếu chính sách hỗ trợ

Mô hình hoạt động chưa đúng mục tiêu; chịu thiệt thòi về các chính sách cho học sinh... khiến các trường năng khiếu thể dục thể thao (TDTT) tại TPHCM rơi vào “thế khó” trong công tác đào tạo và bồi dưỡng vận động viên (VĐV).
Học sinh Trường THPT Năng khiếu TDTT (quận 1) được phát triển chuyên môn và đào tạo văn hóa
Học sinh Trường THPT Năng khiếu TDTT (quận 1) được phát triển chuyên môn và đào tạo văn hóa

Số học sinh năng khiếu thấp

Sau các buổi khảo sát tại 3 trường phổ thông năng khiếu thể thao trên địa bàn thành phố, Trưởng ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng, các trường THPT năng khiếu chưa thực hiện đúng mục tiêu và phương châm của thành phố đặt ra. “Qua các buổi khảo sát, chúng tôi thấy rằng tỷ lệ học sinh năng khiếu thể thao trong các trường THPT năng khiếu TDTT chưa đến 10%”, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Trường THPT Chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định (quận 8) có 2 cấp học (khối THCS và THPT) với 1.682 học sinh theo học chương trình văn hóa phổ thông và chương trình năng khiếu TDTT (8 bộ môn gồm bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, điền kinh, bơi lội, Vovinam, taekwondo). Trong đó, số học sinh năng khiếu chiếm 1/3 tổng số học sinh của nhà trường.

Trong khi đó, dù là trường chuyên đào tạo VĐV cho thành phố nhưng trong năm học 2022-2023, Trường THPT Năng khiếu TDTT (quận 1) chỉ có 41 học sinh năng khiếu ở 15 bộ môn. Còn ở Trường THPT Năng khiếu TDTT huyện Bình Chánh, trong tổng số 1.254 học sinh (năm học 2022-2023) chỉ có 77 học sinh năng khiếu ở 3 môn bóng đá, điền kinh và võ thuật - môn karate.

Chủ trương của thành phố khi thành lập các trường năng khiếu TDTT là kịp thời phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng để tạo nguồn VĐV thành tích cao cho TPHCM cũng như quốc gia. Nhưng thực tế cho thấy, các trường THPT năng khiếu TDTT tại TPHCM hiện đang hoạt động rất lưng chừng. Chương trình đào tạo không có nhiều khác biệt so với một trường THPT bình thường. Nhiều trường chưa có chế độ ăn ở, nghỉ ngơi đặc biệt cho học sinh năng khiếu khi các em được triệu tập lên tuyển thi đấu.

Tại Trường THPT Năng khiếu TDTT, đối tượng học sinh là VĐV thuộc 3 tuyến đào tạo của đội tuyển thành phố, do đó việc thi đấu và tập huấn dài hạn thường xuyên diễn ra đã làm gián đoạn việc học ở trường của các em. Lúc này, nhà trường sẽ tổ chức các lớp học trực tuyến hoặc lớp ôn luyện để kịp thời bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho các em. Song, việc vừa tập trung luyện tập để nâng cao chuyên môn và giành thành tích tại giải đấu đồng thời vừa học đủ chương trình giáo dục văn hóa và tham gia các kỳ thi như một học sinh bình thường có thể quá sức đối với đối tượng học sinh năng khiếu.

Thiệt thòi về chế độ và chính sách

Nghị quyết 05 của HĐND TPHCM được triển khai thể hiện sự quan tâm rất lớn của thành phố về các chế độ dinh dưỡng, chính sách đặc thù dành cho đội ngũ HLV, VĐV năng khiếu TDTT. Thế nhưng, trong buổi làm việc tại Trường THPT Chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định ngày 25-4, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Nghị quyết 05 đang “bỏ quên” đối tượng học sinh ở 3 trường năng khiếu TDTT.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy định trường phổ thông năng khiếu mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy các bộ môn huấn luyện đặc thù. Một số chính sách khác như việc thực hiện công tác đảm bảo duy trì, bảo dưỡng, tu bổ trang thiết bị dành cho huấn luyện cũng như đối tượng nhân sự thực hiện các nội dung này cũng chưa có. Chính vì điều này đã khiến các trường gặp khó trong việc trang bị dụng cụ tập luyện cho học sinh năng khiếu.

Bên cạnh đó, các trường THPT năng khiếu TDTT hiện đang rất trăn trở vì không xác định được học sinh năng khiếu thuộc nhóm đối tượng và hưởng chế độ như thế nào nếu xét theo Nghị quyết 05. Điều này gây thiệt thòi cho cả thầy và trò tại các trường năng khiếu khi có tập luyện và tham gia thi đấu, đoạt giải nhưng lại không được nhận hỗ trợ phù hợp.

Ông Lê Quang Ninh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định, cho biết: “Khi tham giải thi đấu các giải thể thao thành phố, trường được xem là một đơn vị quận - huyện, đồng nghĩa với việc hưởng chế độ như cấp huyện. Song trên thực tế, nhà trường vẫn không có văn bản xác nhận nào từ Sở VH-TT TPHCM các học sinh năng khiếu thuộc đối tượng và hưởng chế độ ra sao. Tôi mong rằng thời gian tới Nghị quyết 05 có điều chỉnh sẽ xác định học sinh năng khiếu của trường là một trong những đối tượng được hưởng chế độ dinh dưỡng rõ ràng hơn”.

Tin cùng chuyên mục