Brazil, Argentina và những chuyện khó tin

Bóng đá nữ không những khác xa bóng đá nam về các vấn đề tiền thưởng, sự bình đẳng trong nghề nghiệp, mà còn ở các thống kê khó tin.

Ví dụ như việc Morocco trở thành đội bóng nữ đầu tiên thuộc khối Arab đến với vòng chung kết World Cup, dù ở bóng đá nam thì có đến 8/22 quốc gia thuộc khối này từng dự giải thế giới. Cũng như việc các quốc gia châu Phi không thành công ở bóng đá nữ, đều xuất phát từ yếu tố tôn giáo (đạo Hồi) không ủng hộ việc phụ nữ chơi bóng đá.

Một sự khác biệt nữa, đó là sự xuất hiện của các quốc gia Đông Nam Á tại World Cup. Cho đến nay, chỉ duy nhất một lần làng cầu khu vực bị xem là “vùng trũng” này đến với vòng chung kết World Cup đó là vào năm 1934, nhưng lúc đó, Indonesia dự giải với tên gọi Đông Ấn Hà Lan, một thuộc địa chứ không phải là quốc gia - vùng lãnh thổ trực thuộc FIFA. Từ sau khi Thái Lan lần đầu đại diện cho Đông Nam Á dự vòng chung kết World Cup nữ 2015 đến nay, khu vực này có đến 2 chiến thắng ở World Cup (mới nhất là Philippines). Con số này còn cao hơn cả New Zealand, dù đội này có đến 6 lần dự giải. Và thú vị thay, còn nhiều hơn cả Argentina, đội mà cho đến nay chưa từng có chiến thắng nào.

Câu chuyện về Argentina, cùng với “đại kình địch” của họ là Brazil, chính là một trong những tình tiết khó tin nhất của World Cup nữ. Nếu bóng đá nam Brazil có 5 lần vô địch World Cup - một kỷ lục, thì bóng đá nữ lại chưa từng một lần, dù trong đội hình của họ có huyền thoại Marta, người từng 6 lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng FIFA. Cho đến bây giờ, Đức là quốc gia duy nhất từng vô địch World Cup cả nam lẫn nữ.

Chưa hết, giữa Brazil và Argentina cũng có sự khác biệt đáng kể dù ở bóng đá nam, đây là 2 nền bóng đá lớn nhất thế giới đến từ Nam Mỹ. Bóng đá nữ Brazil bị cấm thi đấu cho đến tận những năm 1970, nhưng sau đó họ lại phát triển tốt hơn với 7 chức vô địch trong 8 kỳ Copa America dành cho bóng đá nữ. Đội vô địch kỳ còn lại chẳng ai khác ngoài… Argentina, sau chiến thắng chính… Brazil. Đó là trận thắng thứ 2 trong 21 lần đối đầu giữa 2 “siêu kình địch” này ở Copa.

Thực tế thì bóng đá nữ Brazil vẫn bị đối xử không ngang bằng bóng đá nam, nhưng dù sao vẫn tốt chán so với bóng đá nữ Argentina, nơi vừa có chức vô địch World Cup lần thứ 3 dành cho nam. Các cô gái Brazil đến World Cup lần này sớm đến 3 tuần lễ để chuẩn bị, trong khi đồng nghiệp của họ bên phía Argentina chỉ đến Australia 5 ngày trước trận ra quân gặp Italy. Hồi World Cup 2019, họ đến sớm hơn một chút, 10 ngày trước trận ra quân.

Brazil hướng đến chức vô địch đầu tiên còn Argentina lại hướng đến chiến thắng đầu tiên ở lần thứ 4 tham dự. Chính phủ Brazil cho phép công nhân viên chức được đi làm muộn để xem World Cup, trong khi các cầu thủ Argentina thì cám cảnh với việc chẳng có cơ quan truyền thông nào đi cùng với họ đến Australia và New Zealand. Phải đến năm 2019, các trận đấu của đội bóng đá nữ Argentina mới được mua sóng để trực tiếp trên tuyền hình.

Những cầu thủ chủ chốt của bóng đá nữ Argentina như Adriana Sachs, Eliana Stabila, Lorena Benitez, Yamila Rodriguez và ngôi sao trẻ Paulina Gramaglia đều đang thi đấu ở… Brazil. Cầu thủ được mệnh danh là “Messi nữ” Estefania Banini hiện khoác áo Atletico Madrid cho biết: “Tại Argentina, những cầu thủ như chúng tôi phải sống dưới mức chuẩn nghèo, với thu nhập chưa đến 40 USD/tuần (160 USD/tháng, tương đương 3,7 triệu đồng)”.

Tin cùng chuyên mục