Không có gì mới, cũng những con người đó, trước đó tay bắt mặt mừng với nhau, nhưng khi tới thời điểm được ấn định, họ lại tung ra những chiêu để hy vọng hạ “nốc-ao” đối phương theo kế hoạch.
Người hâm mộ chân chính đã quá quen với những vở kịch này, tiếc thay lần này nó lại tiếp tục diễn ra khi mà bóng đá Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn phát triển khá cơ bản.
Thông thường, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội VFF luôn là giai đoạn sóng gió nhất. Sóng gió không phải vì thiếu nhân sự, khó tìm người, mà vì đó là lúc mà mọi việc đều có thể thay đổi chóng vánh. Và cũng không khác mọi khi, đây là lúc mà bản chất của từng con người lộ ra nhiều nhất.
Mấy ngày nay, người hâm mộ bắt đầu được dội luồng thông tin phản ứng quyết liệt của Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức với việc ứng cử chức danh phó chủ tịch VFF của ông Trần Anh Tú. Họ đang cùng là thành viên VFF, một người là phó chủ tịch phụ trách tài chính vận động tài trợ, một người là ủy viên thường trực. Nghĩa là, họ đã và đang cùng nhau làm bóng đá, tuy mỗi người có một công việc riêng. Vậy mà giờ đây người này thì nói người kia là kẻ ngoại đạo, không biết gì về bóng đá nên không thể ứng cử vào chức danh phó chủ tịch VFF.
Nếu đúng ông Tú là ngoại đạo, không biết gì về bóng đá thì tại sao suốt nhiệm kỳ qua không ai nói đến điều này. Và sự thật là ông Tú đã làm rất nhiều việc cho bóng đá, mới đây nhất lại được tín nhiệm cao bầu làm chủ tịch VPF, tổ chức điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Nếu điểm lại những dấu mốc trong nhiệm kỳ VFF vừa qua có thể thấy nổi rõ lên là sự tiến bộ về chuyên môn. Đương nhiên để phát triển một nền bóng đá không phải một ngày một bữa mà phải bền chí. Mới đây, thành công của tuyển U23 tại giải châu Á chứng minh những gì mà VFF kiên trì đã mang đến không ít quả ngọt. Trong khi đó, mặt tài chính và vận động tài trợ lại là điểm yếu rõ hơn cả của nhiệm kỳ. Từ khi tân chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII tuyên bố sẽ vận động hàng trăm tỷ đồng cho bóng đá đến nay thì lời hứa đó vẫn còn là lời hứa. Trách nhiệm chung có vai trò của chủ tịch, nhưng vai trò chính vẫn là người đảm nhận nhiệm vụ tài chính và vận động tài trợ của VFF.
Thành công nổi bật về chuyên môn khiến dư luận tạm quên đi điểm yếu về mặt tài chính của VFF, nhưng yêu cầu đòi hỏi phải có một người tâm huyết, tài năng hơn cho vị trí này trong nhiệm kỳ mới là đòi hỏi chính đáng của người hâm mộ và nhất là các câu lạc bộ.
Cũng vì mong muốn bóng đá ổn định và phát triển mà hầu hết các câu lạc bộ lần này đều ủng hộ, thống nhất cao dự kiến nhân sự ban chấp hành VFF nhiệm kỳ mới. Có lẽ, những chiêu trò trước bầu cử như những lần trước khó làm thay đổi được nhận thức đúng về sự phát triển, nhưng nó ít nhiều khiến dư luận thấy đau về văn hóa ứng xử.
Như các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới cho thấy, làm bóng đá bây giờ cũng cần có kiến thức và am hiểu, chứ không thể trông chờ vào ăn may theo kiểu phá rừng là thành tỷ phú như trước nữa. Mong sao những ai tâm huyết thật sự với bóng đá nước nhà sẽ không nản chí, tiếp tục góp tay vào ngôi nhà chung mà người hâm mộ đang ủng hộ.