Đại ý, bài báo cho rằng, xét về chất lượng chuyên môn thì bóng đá Anh không hơn gì Bundesliga, La Liga, Serie A … nhưng chính khán đài đã tạo ra sự khác biệt. Nó khiến các trận đấu trở nên kịch tính, thúc đẩy các đội bóng yếu hoặc trung bình chơi thứ bóng đá tận hiến đến tận phút cuối. Premier League trở thành giải đấu có giá bản quyền khủng khiếp chính từ yếu tố này.
Nhưng khi không còn khán giả, số bàn thắng của giải ngoại hạng Anh tăng đột ngột. Sau 38 trận của 4 vòng đấu, có đến 142 bàn thắng được ghi, trung bình 3,8 bàn/trận. Vòng đấu thứ 2 lập kỷ lục về số bàn thắng với 44 bàn/10 trận, đến vòng 4 vừa kết thúc, là 39 bàn. Các tỷ số điên rồ xuất hiện. Một đội bóng do chuyên gia phòng ngự như Mourinho dẫn dắt nhưng đã có các chiến thắng 5-2, 6-1. Đội Everton của HLV người Italy là Ancelotti cũng thắng 5-2, 4-2 và mới nhất, đến Aston Villa mà còn thắng Liverpool đến 7-2 … Đành rằng bóng đá Anh thiên về tấn công nhưng các tỷ số theo kiểu điên rồ, có phần cẩu thả như trên lại xuất phát từ một lý do khác.
Bóng đá không có khán giả, đó là thứ “bóng đá chết”. Cầu thủ đó, HLV đó, chiến thuật đó… nhưng bối cảnh thì im lìm. Một đội bóng đang thua, không có nguồn cảm hứng nào để lội ngược dòng. Cái họ cần là những tiếng vỗ tay kích động, là sự tức giận trên khán đài. Điều đó sẽ giúp họ vượt qua được nỗi thất vọng, nỗi sợ bị thua trận mà lao lên tìm cơ hội. Rồi một cầu thủ của đội chủ nhà như Martial (Man.United) lại tự dưng nổi nóng vô cớ khi bị đối phương chọc giận, sau đó nhận thẻ đỏ trong một tình huống mà theo phân tích thì phải ngược lại mới đúng. Nếu có khán giả, Martial sẽ trách nhiệm hơn, trong khi cầu thủ đối phương mới dễ bị trạng thái do áp lực từ khán giả chủ nhà. Tác động của khán giả, lợi thế sân nhà - sân khách luôn là một phần quan trọng trong mọi trận đấu. Với nền bóng đá có tính thương mại cao nhất thế giới như giải ngoại hạng Anh, đá mà không khán giả là xem như đóng băng doanh thu, khiến giải đấu trở nên tầm thường và kết quả thi đấu đã cho thấy phần nào.
Thế nên, hãy thấy hạnh phúc khi có thể vào sân xem bóng đá nội ở V-League. Đấy là một điều không nhiều người trên thế giới có thể có như người hâm mộ Việt Nam. Thành quả của cuộc chiến cam go nhưng hào hùng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đem đến cho người dân một cuộc sống rất gần với những điều bình thường nhất, gồm cả việc đi xem bóng đá. Ở góc độ khác, những người làm bóng đá cũng phải biết trân quý những hoàn cảnh như thế này để giữ gìn và phát triển khán giả cho mình.