Thành công của đội U19 Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á vẫn còn chờ trận chung kết với đội chủ nhà Indonesia. Tuy nhiên, điều làm người ta phải khen ngợi đội bóng trẻ có thành phần nòng cốt từ Học viện HAGL này chính là lối chơi có sức hấp dẫn, thuyết phục vốn từ lâu, không còn thấy ở bóng đá trẻ.

Các cầu thủ nhí của Học viện HAGL bắt đầu làm quen với bóng bằng những đôi chân trần. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Đá chân trần, rèn tư duy chiến thuật
Trên thực tế, các cầu thủ của Học viện HAGL chỉ mới được phép đá bóng bằng giày trong khoảng 18 tháng gần đây, tức là sau khi đã qua tuổi 17. Trước đó, họ phải học kỹ thuật và thậm chí thi đấu bằng chân trần. Đã có lần, ở thời điểm mới 15 tuổi, các cầu thủ từ học viện này đã chơi một trận giao hữu với nhà vô địch U21 quốc gia - Khánh Hòa trên sân Pleiku hoàn toàn không mang giày và trận đấu đó, những đàn anh kia phải vất vả mới thắng được bằng tỷ số tối thiểu trong một thế trận mà chính các cầu thủ U15 của học viện mới là người chơi tốt hơn.
Theo các chuyên gia từ Học viện HAGL, đá bóng chân trần là một trong những yêu cầu bắt buộc của quá trình đào tạo. HLV Guillaume cho biết: “Ở lứa tuổi dưới 13, do xương bàn chân phát triển nhanh nên các học viên phải tập chân trần để bàn chân không bị gò theo cỡ giày. Kỹ thuật tiếp xúc bóng được phát huy nhanh hơn bởi các em cảm nhận quả bóng thông qua các điểm tiếp xúc trên đôi chân trần mà không bị cản trở, mất cảm giác bởi giày”. Quá trình chơi bóng chân trần phải tối thiểu 40 tháng, nếu các em bắt đầu học từ lứa tuổi 13. Sự nhạy cảm trong việc tiếp xúc bóng bằng chân trần sẽ dẫn dắt các cầu thủ chơi bóng theo tư duy chiến thuật, hạn chế việc dùng các động tác thiên về thể lực mà học cách phối hợp để giảm va chạm trên bàn chân. Đây chính là lý do mà người hâm mộ có thể chứng kiến việc đội U19 Việt Nam luôn chiếm ưu thế về giữ bóng (luôn ở mức hơn 60%) trong các trận đấu tại giải vô địch Đông Nam Á.
Còn đâu bóng đá chân trần?
Giới bóng đá Việt Nam vẫn luôn khâm phục phương cách đào tạo trẻ của “lò” SLNA khi đều đều giới thiệu những lứa cầu thủ tài năng xuất thân từ những cánh đồng xứ Nghệ. Theo nguyên Giám đốc Sở TDTT Nghệ An, ông Nguyễn Hoàng Thụ, điểm chính trong quá trình đào tạo của “lò” là khả năng tìm kiếm tài năng từ hệ thống tuyển trạch viên đông đảo và rộng. Những người này được phân công về từng vùng quê, tìm đến những cánh đồng nơi trẻ chăn trâu vẫn hay đá bóng bằng chân trần để gạn lọc đưa về trung tâm đào tạo. Thế hệ Văn Quyến, Quốc Việt, Quốc Vượng... đã khởi đầu từ đó.
Tìm trên những cánh đồng không đủ, “lò” SLNA phát triển hệ thống tìm tài năng từ chương trình bóng đá trong các trường tiểu học, từ lứa tuổi U11. Mô hình này đã từng được hệ thống thành chương trình quốc gia tham gia vào Tầm nhìn châu Á và áp dụng cho toàn bộ các địa phương để trở thành khuôn mẫu cho việc phát hiện và đào tạo tài năng trẻ bóng đá. Học viện HAGL chính là hình thức cao cấp và chuyên nghiệp hơn của mô hình mà “lò” SLNA đã thực hiện.
Thế nhưng, ngay chính “lò” SLNA cũng dần không giữ được những nguyên tắc cơ bản của bóng đá chân trần do sức ép từ việc phải nhanh chóng cung cấp nguồn cầu thủ cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang rất thiếu hụt. Càng về sau, “lò” SLNA càng ít tài năng. May mắn thay, sự thành công của đội U19 Việt Nam có thể sẽ khiến các nhà quản lý bóng đá nhìn nhận đúng đắn hơn về việc đào tạo cầu thủ trẻ mà ở đó, lý thuyết “bóng đá chân trần” sẽ được trân trọng hơn…
ĐĂNG LINH