Bóng đá Anh: Nhiều tiền để làm gì? Sao không giúp “những người anh em”?

Báo cáo mới nhất của FIFA cho thấy một khoảng cách khủng khiếp trong việc dùng tiền của bóng đá Anh. Họ hoàn toàn lấn át các đối thủ trong chi tiêu chuyển nhượng bóng đá. Cụ thể, các CLB Anh chi 1,78 tỷ bảng cho các giao dịch quốc tế vào năm ngoái, trong khi những đội đến từ Italy đứng thứ 2 với chỉ 543,6 triệu bảng. Đây là số tiền được tính trọn năm 2022, tức là kỳ chuyển nhượng mùa Đông và mùa Hè.
Bộ đôi người Brazil, Antony và Casemiro của Man.United nằm trong số 10 vụ chuyển nhượng lớn nhất năm qua.
Bộ đôi người Brazil, Antony và Casemiro của Man.United nằm trong số 10 vụ chuyển nhượng lớn nhất năm qua.

Báo cáo của FIFA cho biết, toàn bộ hệ thống chuyển nhượng thế giới mà tổ chức này quản lý thông qua các giao dịch công khai, đủ tính pháp lý, đã chi 5,25 tỷ bảng Anh. Nghĩa là bóng đá Anh chiếm 1/3 toàn cầu. Tổng chi toàn thế giới tăng 33,5% so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 5,93 tỷ bảng Anh được thiết lập vào năm 2019. Các CLB Anh cũng sở hữu 6 trong số 10 vụ chuyển nhượng lớn nhất được xác định trong báo cáo, bao gồm thương vụ Haaland của Man.City, Luis Diaz của Liverpool và bộ đôi người Brazil, Antony và Casemiro của Man.United.

Không giống như nhiều người nghĩ, Pháp chứ không phải là Bồ Đào Nha, mới là quốc gia kiếm được nhiều tiền nhất từ các thương vụ chuyển nhượng quốc tế, với tổng số tiền thu được là 597,7 triệu bảng. Bên cạnh đó, dù mua nhiều nhưng giải Ngoại hạng cũng bán được 484,8 triệu bảng thông qua các thương vụ quốc tế.

Trong khi đó, theo hãng kiểm toán Deloitte, thì bóng đá Anh chắc chắn sẽ phá kỷ lục về chuyển nhượng tháng Giêng dù hiện thị trường vẫn còn đang giao dịch. Tính đến chiều thứ ba tuần này, tổng chi của giải Ngoại hạng vào mùa Đông đã là 440 triệu bảng, đã vượt qua kỷ lục trước đó là 430 triệu bảng được thiết lập vào tháng 1 năm 2018.

Tiền giúp các đội bóng Premier League thu hút những ngôi sao lớn như Haaland.

Tiền giúp các đội bóng Premier League thu hút những ngôi sao lớn như Haaland.

Những dòng tiền ào ạt của các CLB Ngoại hạng đâu chỉ khiến FIFA hay những nền bóng đá khác “nóng mặt”, mà ngay chính tại Anh, ban quản trị EFL - hệ thống bóng đá chuyên nghiệp (Football League gồm 4 hạng đấu) vừa lên tiếng yêu cầu Premier League giảm một nửa khoảng cách tài chính giữa họ và các giải cấp thấp. Đây là một phần kiến nghị được cơ quan bóng đá dự kiến đưa vào sách trắng về ngân sách mà chính phủ Anh trình Quốc hội sau 2 tuần nữa.

LĐBĐ Anh (FA) từ lâu đã kêu gọi Premier League chia sẻ 25% doanh thu truyền hình với 72 CLB “anh em” khác của họ đang chơi ở 3 hạng bên dưới, nhưng nỗ lực này không nhận được hồi đáp. Ngược lại, khoảng cách đang ngày càng lớn hơn. Mùa giải trước, Norwich City kiếm được 100 triệu bảng khi đứng thứ 20 tại Premier League trong khi Fulham chỉ được khoảng 10 triệu khi vô địch Championship.

Thực tế thì giải ngoại hạng cũng sẵn sàng đàm phán để chia sẻ thêm lợi nhuận cho những “người anh em” nhưng không có chuyện làm “giảm một nữa khoảng cách” như EFL đòi hỏi. Theo đại diện Premier League, họ kiếm nhiều tiền thật nhưng như đã biết, chi cũng … mỏi tay, có dư dả gì đâu mà chia sẻ. Dù sao, theo tiết lộ của những người đang biên soạn sách trắng, thì đây là chuyện không nên để Chính phủ phải can thiệp. Các CLB Premier Legue nên xem xét giảm chi, cân đối phí quản lý qua đó tài trợ thêm tiền thưởng cho các hạng đấu bên dưới.

Tin cùng chuyên mục