Phải tìm chuyên gia cho 2 đội bóng chuyền trong nhà nam, nữ quốc gia - đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo VFV đề ra trong cuộc họp triển khai công việc từ đầu năm. Nhưng…
Lại về "tắm ao ta"?
Nhân chuyến đội tuyển nam dự cúp các CLB châu Á 2012 ở Thượng Hải (Trung Quốc) mới đây, lãnh đạo VFV cũng đánh tiếng mời chuyên gia. Nhưng, tất cả đã phải lắc đầu trước mức giá quá cao (khoảng 5.000 USD/tháng) khi chúng ta đề đạt tìm 1 chuyên gia làm được việc ở Thượng Hải. Điều này hoàn toàn đúng với quy luật của thể thao hiện đại đó là người giỏi cũng kèm theo lương bổng tương xứng, và VFV cũng rất rõ chuyện đó.
Tìm được 1 chuyên gia ưng ý không đơn giản khi túi tiền lương mà chúng ta có thể chi ra có hạn.
Trở lại câu chuyện, nhiều người tự hỏi nếu không tìm được chuyên gia thì những kế hoạch cho cả tuyển lớn và tuyển trẻ có đi đúng theo nhiệm vụ quy hoạch và HLV phụ trách sẽ ra sao. Hiện lãnh đạo Liên đoàn vẫn tiếp tục tìm chuyên gia phù hợp yêu cầu nhưng cũng có luồng ý kiến không phải không có lý khi cho rằng “nếu tìm chuyên gia ngoại khó quá, tại sao không thuê chuyên biệt HLV nội chỉ để làm HLV tuyển quốc gia”.
Gợi ý này đâu có sai. Bóng đá chính là ví dụ rõ nhất để bóng chuyền học hỏi qua việc mời HLV Phan Thanh Hùng làm HLV trưởng. Nếu VFV cũng chịu chi mức lương 2.000 USD hoặc hơn thế như với những chuyên gia Trung Quốc và Brazil trước đây, chắc chắn, không ít hồ sơ HLV Việt Nam ứng cử. Tất nhiên, đó cũng phải là hợp đồng kéo dài ít nhất 1 năm thì mới xác định được hiệu quả công việc. Còn có ý kiến khác, đó là các cấp lãnh đạo VFV làm việc chủ yếu tại Hà Nội, mấy khi bàn thảo với những người ở xa. Chính thế, đi tới thống nhất quan điểm tìm thầy ngoại cũng không đơn giản.
Trẻ ít dùng sao có "thay máu"
Phụ công Phạm Kim Huệ đã trở lại đội tuyển nữ bóng chuyền quốc gia và đang tập trung tại Trung tâm HLTTQG. Một tin vui với tất cả những người hâm mộ tay đập mới rời Thông tin về đầu quân cho CLB Hà Nội. Sự có mặt của Huệ có thể xem là… bất ngờ sau khi đội nữ hội quân trở lại khi lần lượt 2 giải bóng chuyền nữ quốc tế ở Bắc Ninh và bán kết hạng A mới đây. Trước đó, Kim Huệ không có tên trong danh sách sơ bộ và cô từng lên tiếng trước báo giới bày tỏ sự thất vọng ở việc vắng mặt này.
Về chuyên môn, Kim Huệ vẫn là gương mặt vững vàng cho vị trí phụ công ở bất cứ giải nào cấp CLB của làng bóng chuyền nữ quốc nội. Tuy vậy, nhiều người cũng ngán ngẩm Kim Huệ hay nhiều tay đập đã bước qua đầu 3 của tuổi tác lại góp mặt trên tuyển nên kiểu “tre” mãi không chịu nghỉ khiến “măng” hết đất mọc còn lâu lắm mới hết. Ai cũng biết, sự xuất hiện của phụ công này hoàn toàn để ĐTQG giải quyết thời vụ nhân sự nhanh nhất cho mục tiêu thứ hạng sắp tới ở VTV Cup 2012 - giải quốc tế quan trọng nhất trong năm nay của đội nữ.
Bản thân HLV Phạm Văn Long khẳng định sẽ sử dụng Bùi Thị Ngà, Hà Ngọc Diễm ở giải quốc tế VTV nhưng ai đảm bảo trước áp lực thành tích, các HLV và nhà quản lý có dám bỏ quan niệm để gương mặt trẻ (mà bóng chuyền nữ đã tìm được như Lê Thị Thúy, Bùi Thị Ngà, Bích Nga, Mỹ Nga…) quen với ghế dự bị mà chỉ dùng cựu binh (thậm chí gọi lại những tay đập nhiều tuổi). Như trường hợp Lê Thị Thúy (Hà Nội), được đánh giá có triển vọng, có thể hình nhưng không có cơ hội khoác áo tuyển quốc gia dự VTV Cup, nhiều người lại thấy VĐV này trở về CLB chủ quản dự giải trẻ quân đội mở rộng 2012.
Ngày 14-7, giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2012 đã khai mạc tại Vĩnh Phúc. Giới chuyên môn rất chờ đợi sự thể hiện của ĐTQG Việt Nam, bởi đây là một đội tuyển mới đang trong quá trình chuẩn bị mục tiêu SEA Games năm sau. Tuyển Việt Nam gặp Australia ngày khai mạc. Ngày 16-7, Việt Nam gặp CLB IBK (Hàn Quốc). Ngày 18-7, Việt Nam gặp CLB Giang Tô (Trung Quốc). Đội vô địch nhận giải thưởng 8.000 USD. |
NGUYỄN ĐÌNH