Bóng chuyền Việt Nam cần tiếng nói phản biện

1. Lần đầu tiên, Liên Đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) và Bộ môn bóng chuyền (Tổng cục TDTT) tổ chức hội thảo chuyên biệt với tiêu đề “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu bóng chuyền”. Thực tế, hội thảo là dịp để đầy đủ những người làm chuyên môn, nhà quản lý và HLV của các địa phương cùng nhiều CLB gặp mặt. Không phải bây giờ bóng chuyền Việt Nam mới có những cuộc gặp làm việc như vậy.

Tuy nhiên, tính chất dành hẳn 1 ngày làm việc để thực hiện các gạch đầu dòng công việc đưa ra thì đây mới là hội thảo chuyên môn được chú ý nhất. Qua nhiều năm, phải nhìn nhận bóng chuyền Việt Nam có nhiều bước phát triển từ trong đầu tư lẫn thay đổi hệ thống thi đấu, đào tạo. Đi cùng sự thay đổi ấy, có mặt được và mặt bất cập tồn dư cũng không ít. Chúng ta sẽ không vội lạm bàn về chuyên môn vì tất cả chờ những ý kiến xác thực nhất được đưa ra tại hội thảo.

Bóng chuyền Việt Nam đang cần một cú hích thực sự để phát triển. Ảnh: Nhật Anh

Dù vậy, liệu những người làm quản lý và các HLV thấy được sự bất cập có mạnh dạn lên tiếng hay không mới quan trọng. Khi có những ý kiến phản biện, tất cả mới nhìn vào sự thật để cùng định hướng làm việc giải quyết hiệu quả hơn. Không thiếu những ý kiến phản ánh ở bên ngoài những cuộc họp hoặc trong các giải đấu từ nhiều lãnh đội, HLV của các đơn vị đào tạo bóng chuyền nam, nữ trong nước. Tuy vậy, khi có các cuộc họp chính thức, rất ít người chịu đứng lên đưa ý kiến của mình. Và như thế, mọi ấm ức vẫn chỉ “để trong bụng” không nói ra cùng nhau tiếp nhận.

2. Mấu chốt của hội thảo sẽ bàn quanh các vấn đề chính là thực trạng đào tạo huấn luyện bóng chuyền Việt Nam ở các đơn vị trong nước; việc chuyển nhượng cầu thủ; định hướng số đội bóng và thể thức thi đấu giải vô địch quốc gia.

Giải vô địch quốc gia cùng các giải trẻ thuộc hệ thống thi đấu chính thức của VFV và Bộ môn bóng chuyền là hình thức phản ánh rõ nhất công tác đào tạo cùng chất lượng chuyên môn của HLV, VĐV. Trải dài khắp nước từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam tới vùng cao hay các đội thuộc lực lượng vũ trang thì hiện đều có đào tạo bóng chuyền. Người làm thực tế tại các đơn vị trên sẽ có ý kiến trong tham luận ở hội thảo và các phương thức đào tạo sẽ được sáng tỏ nhiều hơn.

Bóng chuyền chính là môn thể thao gặp sự bất cập lớn nhất ở công tác chuyển nhượng VĐV trong tất cả các môn tại Việt Nam. Nói điều ấy vì không dưới 2 lần, VĐV và đơn vị chủ quản xảy ra tranh chấp và dẫn tới cấm nhau không được ra sân. Thậm chí, điển hình từng được biết tới là chủ công Nguyễn Văn Hạnh và CLB Tràng An Ninh Bình đã đưa nhau ra tòa giải quyết. Trong tất cả các lần tranh chấp, tiếng nói và vai trò của VFV hay Bộ môn bóng chuyền đã bị xem không có giá trị. Sự việc diễn biến khi tự các bên xử lý với nhau và không cần can thiệp của VFV. Vì vậy, nếu giải quyết được câu chuyện chuyển nhượng và vai trò VFV quyết định được thì sẽ không tranh cãi.

Vấn đề giảm số CLB dự giải VĐQG là chuyện được chú ý nhất. Ý định giảm số đội là có. Làm thế nào để phù hợp nhất thì người hâm mộ và giới chuyên môn chờ ý kiến các đại biểu dự Hội thảo đưa ra. Không loại trừ, khi nhiều ý kiến không tán thành, lộ trình cắt giảm có thể phải chờ trong tương lai dài.

Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội trong ngày 25-11. VFV đã mời tất cả đại diện những đội bóng đang dự giải VĐQG, các đơn vị có đào tạo bóng chuyền và các chuyên gia, truyền thông tham dự để tạo sự minh bạch công khai.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục