Nói với SGGP, ông Nguyễn Minh Hiền (Giám đốc Trung tâm Huấn luyện TDTT Vĩnh Long) cho rằng: “Điều đầu tiên phải khẳng định rằng bóng chuyền nữ Vĩnh Long không giải thể, mà chỉ tạm dừng hoạt động của đội 1 vì lực lượng thiếu hụt, thành tích trồi sụt và ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và hình ảnh của nhà tài trợ đã giúp duy trì đội bóng suốt thời gian qua. Đây là quyết định rất khó khăn, nhưng thiết nghĩ có buồn cũng phải chấp nhận, vì Vĩnh Long vốn có truyền thống về đào tạo VĐV bóng chuyền, cả ở nội dung nam lẫn nữ, thì không thể tồn tại kiểu vay mượn mùa này qua mùa khác mà không mang lại thành quả gì đáng kể”.
Theo ông Hiền, không chỉ bóng chuyền nữ mà bóng chuyền nam (đã rớt xuống hạng A) cũng buộc phải làm lại từ đầu, từ lớp trẻ và chờ đợi một tương lai tươi sáng hơn. “Trước mắt, đội nữ sẽ dừng hoạt động, tất cả các VĐV sẽ được tạo điều kiện để tìm kiếm đội bóng mới để tiếp tục sự nghiệp. Tuy nhiên, tất cả phải tuân thủ quy trì chuyển nhượng VĐV theo quy định. Nên nhớ, họ vẫn thuộc quyền quản lý của ngành TDTT Vĩnh Long, chứ không phải là VĐV tự do. Các CLB muốn chuyển nhượng VĐV của chúng tôi thì phải liên hệ trực tiếp với ngành TDTT Vĩnh Long, chứ không có chuyện dụ dỗ, đi đêm hay chèo kéo VĐV cố tình phá luật làm liều”, ông Hiền bày tỏ.
Khả năng, bóng chuyền nữ Vĩnh Long chọn cách “khởi nghiệp” lại từ giải hạng A là rất cao, chú tâm đào tạo VĐV của địa phương và chờ trở lại sân chơi VĐQG. Mục đích lớn khác cũng nhằm chấm dứt tình trạng phải vay mượn VĐV mà không đạt được bất cứ kết quả đáng chú ý nào.
Cũng theo giới chức thể thao Vĩnh Long, thời gian gần đây, có vị HLV trưởng của một đội bóng phía Bắc mới nổi đã cố tình liên hệ trái luật với chủ công Bích Tuyền để đề nghị cô tìm cách chia tay đội bóng Vĩnh Long, được hứa trả mức lương cao hơn cả khoản 50 triệu đồng mà VĐV này đang được hưởng tại CLB Truyền hình Vĩnh Long.
Đội bóng mới chân ướt chân ráo bước vào làng bóng chuyền nữ Việt Nam này thậm chí từng “dụ” rất nhiều VĐV của các đội bóng như Ngân hàng Công thương, Quảng Ninh, Thái Bình… khi hứa hẹn mức lót tay và lương cao hơn những gì mà các VĐV đang hưởng ở CLB cũ, với điều kiện phải tìm cách từ bỏ CLB từng đào tạo và dạy dỗ họ thành tài như ngày hôm nay.
Cách làm đầy tiểu xảo, xấu xí và bị giới làm nghề chê là “thủ đoạn” này đang làm vấy bẩn hình ảnh vốn trong lành và ít điều tiếng xưa nay của làng bóng chuyền nữ nước nhà. Chưa kể, kiểu làm bóng chuyền “chộp giựt” này tác động không nhỏ đến những đội bóng có truyền thống đào tạo con người, làm bóng chuyền tử tế và dựa vào nguồn lực tại chỗ của mình chứ không chèo kéo VĐV đội khác về phía mình.
Đây cũng là vấn đề mà Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam phải xem xét, đánh giá và thẳng thắn phê phán, thậm chí loại khỏi đời sống bóng chuyền những kiểu làm “không trồng cây” nhưng lại “đòi hái quả” của một số đội và một số cá nhân, ông bầu và kể cả HLV đang phương hại đến sự phát triển bền vững của bóng chuyền nước nhà.