Thật ra, có một vài thời điểm, những mũi tấn công Trần Thị Thanh Thúy, Lê Thanh Thúy, Kim Huệ, Ngọc Diễm cũng phát huy được đôi chút khả năng, nhưng đáng tiếc là điều đó không diễn ra thường xuyên, nên đội tuyển Việt Nam kém thế hơn hẳn so với Jong Jin Sim và đồng đội.
Rõ ràng, sự linh hoạt cũng như tầm hoạt động rất rộng của chủ công Jong Jin Sim đã khiến các tay chắn Việt Nam trở nên vất vả trong các tình huống đeo bám và ngăn chặn những cú dứt điểm của cô. Kinh nghiệm của Jong Jin Sim thì dĩ nhiên vượt trội trước những Thanh Thúy, Đoàn Thị Xuân, Linh Chi… Kể cả 2 đàn chị Kim Huệ lẫn Ngọc Hoa khi được tung vào sân cũng mệt mỏi khi đeo bám mũi tấn công đáng sợ này.
Sự lép vế càng trở nên rõ ràng hơn ở khu kỹ thuật, bởi lẽ ngay sau khi các học trò đánh hỏng quá nhiều, HLV đội CHDCND Triều Tiên lập tức hội ý để điều chỉnh, trong khi nhà cầm quân người Nhật Bản khá loay hoay với các giải pháp thay người, “đọc” trận đấu và thay đổi đấu pháp chiến thuật khá chậm.
Lối chơi của đội tuyển nữ Việt Nam khá nặng nề, bước 1 chưa “ngọt”, chuyền 2 lập bập và khiến chủ công có chiều cao 1m90 như Trần Thị Thanh Thúy chỉ có thể đưa ra những cú tấn công tầm trung bình, chẳng phải là những pha “ném bóng từ lầu 2 xuống” như mọi khi. Tức là ở đây, mọi khâu đều bất ổn, kể cả cách chỉ đạo chiến thuật và dùng người của HLV người Nhật Bản.
Thua trận thứ hai liên tiếp, cơ hội tranh 1 trong 2 tấm vé tại bảng B để tham dự Vòng chung kết giải Vô địch thế giới 2018 vào năm tới trở nên mờ mịt đối với đội tuyển Việt Nam. Đối thủ tiếp theo của Việt Nam còn khó chơi hơn là Hàn Quốc (đang tạm thời dẫn đầu bảng), nên coi như cánh cửa đến Nhật Bản sẽ chính thức đóng lại nếu để thua tiếp Hàn Quốc trong trận đấu diễn ra vào lúc 15 giờ 30 chiều mai 23-9.