Bóng chuyền Hà Nội chờ Liên đoàn được ra đời

Thủ đô Hà Nội đang có nhiều đội bóng chuyền nam, nữ hoạt động trên địa bàn (gồm chuyên nghiệp, phong trào) nhưng Liên đoàn bóng chuyền Hà Nội chưa ra đời, người làm chuyên môn rất chờ đợi điều đó hiện thực năm 2024.

Đội bóng chuyền nữ Hà Nội là một trong những đại diện của bóng chuyền thủ đô sẽ thi đấu giải vô địch quốc gia 2024. Ảnh: MINH MINH
Đội bóng chuyền nữ Hà Nội là một trong những đại diện của bóng chuyền thủ đô sẽ thi đấu giải vô địch quốc gia 2024. Ảnh: MINH MINH

Hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước đã ra đời Liên đoàn bóng chuyền của mình nhằm thêm tổ chức xã hội hoạt động giúp phát triển mạnh mẽ hơn môn thể thao đang có sức hút ở xã hội này. Bóng chuyền Hà Nội cũng đang kỳ vọng sẽ sớm ra đời Liên đoàn bóng chuyền tại thủ đô. Tính riêng trên địa bàn thủ đô, số lượng đội tham dự giải vô địch quốc gia đông đảo nhất gồm nữ Hà Nội, Ngân hàng Công thương, Hóa chất Đức Giang tia sáng và nam Hà Nội. Ngoài ra, một số đội bóng của lực lượng vũ trang như nam Biên Phòng, Thể Công Tân Cảng, nữ Binh chủng Thông tin Trường Tươi Bình Phước, nam Bộ tư lệnh Cảnh sát Cơ động... đang hoạt động, tập luyện chuyên môn và cơ sở tập luyện đặt tại Hà Nội. Trước đây, những đội bóng để lại dấu ấn trong người hâm mộ như nam Bưu điện Hà Nội và nữ Bưu điện Hà Nội, nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng ở Hà Nội và là nơi thu hút nhiều tài năng cầu thủ của bóng chuyền tập, thi đấu.

“Chúng tôi rất kỳ vọng Liên đoàn bóng chuyền Hà Nội ra đời bởi khi có một tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao như vậy của riêng Hà Nội, việc phát triển kêu gọi thêm các nguồn lực xã hội hóa đối với bóng chuyền sẽ tích cực hơn. Dù vậy, đây là ý tưởng đang manh nha. Chúng tôi hiểu rằng có nhiều người hâm mộ bóng chuyền ở Hà Nội rất chờ đợi sự ra đời của Liên đoàn bóng chuyền Hà Nội nhưng cần phải tìm được con người phù hợp để cùng nhau hoạt động tốt nhất”, trưởng bộ môn bóng chuyền-bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội) – ông Bùi Đình Lợi bày tỏ.

Hai đội nam, nữ Hà Nội là những đội bóng chuyền do Sở VH-TT Hà Nội quản lý. Năm nay, 2 đội bóng này cùng có mặt tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024. Các đội như Ngân hàng Công thương, Hóa chất Đức Giang tia sáng do các tập đoàn, ngân hàng đặc thù riêng quản lý. Họ không hoạt động theo mô hình do sự quản lý của Sở VH-TT, Sở VH-TT-DL và Trung tâm Huấn luyện thi đấu TDTT.

Tất cả các mô hình đều có mặt mạnh của mình. Trên hết, để phát triển bóng chuyền hay thể thao thành tích cao nói chung cần nguồn lực tài chính đầu tư. Từng đội bóng muốn tồn tại bền vững là phải đảm bảo được lương, thưởng, chế độ cho cầu thủ. Các đội bóng không thể trông mãi vào kinh phí hoạt động từ các Sở VH-TT, Sở VH-TT-DL mà cần năng động vận động tìm nguồn xã hội hóa tài trợ chung tay. Về điều này, Liên đoàn hay Hiệp hội thể thao sẽ có chức năng kêu gọi, vận động xã hội hóa.

Qua tìm hiểu, ý tưởng sớm hình thành Liên đoàn bóng chuyền Hà Nội đã được người làm bóng chuyền thủ đô trao đổi cùng nhau thời gian qua. Để đi tới lộ trình cụ thể, những người làm bóng chuyền trực tiếp của Hà Nội sẽ sớm xây dựng ban vận động thành lập Liên đoàn bóng chuyền Hà Nội nhưng phải tìm được con người phù hợp tham gia ban vận động trên.

Bóng chuyền miền Bắc nói chung và bóng chuyền Hà Nội nói riêng có những dấu ấn tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia. Ngoài ra, Hà Nội đang có phong trào bóng chuyền Hội làng, bóng chuyền hơi, bóng chuyền phủi mạnh nhất nhì cả nước. Người yêu bóng chuyền không ít nhưng tìm được nguồn lực đầu tư thật sự mạnh để bóng chuyền Hà Nội phát triển chuyên nghiệp mạnh mẽ còn là bài toán tìm lời giải.

Tin cùng chuyên mục