Vào tứ kết là một thành công với Bolivia lẫn Peru, và cánh cửa bán kết đang rất gần. Nhưng sẽ chỉ có một kẻ đạt được ước mơ vào vòng 4 đội mạnh nhất Nam Mỹ, sau cuộc thư hùng ở Temuco.
Peru (trái) và Bolivia trong trận giao hữu hòa 1-1 cách đây 2 năm.
Sự hiện diện của Bolivia là bất ngờ lớn nhất trong số các đại diện có mặt ở tứ kết Copa America 2015. So với những đối thủ ở bảng A, gồm chủ nhà Chilê, khách mời Mexico và Ecuador, Bolivia bị xem là yếu hơn tất cả. Cũng đúng thôi, khi cả 3 đối thủ chung bảng đều vừa dự World Cup một năm trước.
Những gì Bolivia làm được sau vòng bảng thể hiện chính xác hình ảnh một đội không mạnh, nhưng chính xác trong những toan tính.
Yếu tố may mắn là một chuyện, nhưng rõ ràng Bolivia đã có một giải đấu hay tính đến lúc này. Bolivia đã chia điểm với Mexico, trước khi đánh bại Ecuador. Đây là 2 đối thủ chính tranh vé tứ kết ở bảng A cùng Bolivia, vì chủ nhà Chilê mặc nhiên được xem là có khả năng dẫn đầu.
Đúng là Bolivia đi tiếp nhờ 4 điểm giành được trong 2 cuộc đối đầu với những đối thủ trực tiếp kể trên. Ở lượt trận cuối cùng, Bolivia thua đậm 0-5 trước chủ nhà Chilê, nhưng không có chút tác động nào đến cơ hội đi tiếp của họ. HLV Mauricio Soria - một cựu thủ môn với tư duy phòng ngự - đã có những đấu pháp hợp lý dành cho Bolivia.
Đây cũng chính là phần thưởng cho Bolivia khi đặt niềm tin vào Mauricio Soria, người trước đó vốn chỉ là một HLV tạm quyền (chỉ chính thức có hợp đồng vài tháng trước).
Tuy nhiên, rất khó để cuộc phiêu lưu của Bolivia - đội bóng thủng lưới nhiều nhất trong số 12 đội vòng đấu bảng (7 bàn thua) - đi sâu hơn vòng tứ kết. Thực lực của Bolivia không được đánh giá bằng Peru.
So với những gì Bolivia trải qua, con đường vào tứ kết của Peru ấn tượng hơn. Họ chỉ thua Brazil ở phút bù giờ. Sau đó, Peru xuất sắc đánh bại Venezuela, và buộc Colombia phải chia điểm. Peru chỉ nhận 2 bàn thua cho đến nay, và trong 180 phút gần nhất, khung thành của thủ môn Pedro Gallese được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Gallese đang gây ấn tượng mạnh trong lần đầu tiên góp mặt ở Copa America, và kinh nghiệm khoác áo ĐTQG cũng chưa nhiều (ra mắt năm ngoái).
Chìa khóa thành công của Peru là lối chơi tập thể. Ricardo Gareca, cựu tiền đạo người Argentina, đã khai thác tối đa phẩm chất thể lực và tinh thần chiến đấu của các cầu thủ Peru. HLV Gareca không hoàn toàn chọn cách đá phòng ngự số đông, mà cho đội hình di chuyển cơ động. Khi cần phòng ngự, đội hình Peru sẽ lùi xuống thấp. Mỗi khi tấn công, rất đông người dâng cao mà không cần biết đối thủ là ai. Brazil từng vất vả với lối đá này của Peru.
Peru trội hơn về thể lực, một yếu tố quan trọng với các pha tranh chấp tay đôi. Ngoài ra, một số nhân tố thi đấu tại châu Âu cũng bổ sung thêm kinh nghiệm cho Peru. Bán kết là điều Peru có thể nghĩ đến, như đã từng diễn ra ở mùa hè Argentina 2011.
Dự đoán: Peru thắng 1-0.
Đội hình dự kiến Bolivia (4-4-2): Quinonez - Hurtado, Raldes, Zenteno, Morales - Campos, Chumacero, Bejarano, Smedberg-Dalence - Pedriel, Moreno. Peru (4-4-2): Gallese - Advincula, Zambrano, Ascues, Vargas - Sanchez, Ballon, Lobaton, Cueva - Pizarro, Guerrero. PHONG ĐỘ Bolivia 20-06-15 Chilê - Bolivia 5-0 16-06-15 Ecuador - Bolivia 2-3 13-06-15 Mexico - Bolivia 0-0 07-06-15 Argentina - Bolivia 5-0 19-11-14 Bolivia - Venezuela 3-2 Peru 22-06-15 Colombia - Peru 0-0 19-06-15 Peru - Venezuela 1-0 15-06-15 Brazil - Peru 2-1 04-06-15 Peru - Mexico 1-1 01-04-15 Peru - Venezuela 0-1 ĐỐI ĐẦU 16-10-13 Peru - Bolivia 1-1 13-10-12 Bolivia - Peru 1-1 06-09-11 Bolivia - Peru 0-0 03-09-11 Peru - Bolivia 2-2 15-10-09 Peru - Bolivia 1-0 |
Ngọc Huy