Bối rối bóng chuyền

Chỉ yên bình được vài mùa giải, làng bóng chuyền Việt Nam lại dậy sóng bởi những cuộc tranh cãi, tháo chạy và có khi đổ bể cả một thương hiệu đã được xây dựng bằng bề dày truyền thống suốt nhiều thập kỷ trước đó.

Chủ công số 1 Nguyễn Thị Bích Tuyền (đập bóng) giờ đây đã cùng đội TH Vĩnh Long "cập bến" Ninh Bình.
Chủ công số 1 Nguyễn Thị Bích Tuyền (đập bóng) giờ đây đã cùng đội TH Vĩnh Long "cập bến" Ninh Bình.

Năm nay, sau cuộc chuyển giao đội nữ Truyền hình Vĩnh Long về Ninh Bình khiến không ít người hâm mộ bóng chuyền miền Tây tiếc nuối, giờ đến lượt một trong những “chị cả” của làng bóng chuyền nữ hiện tại là Ngân hàng Công thương đối diện với nguy cơ… không đủ VĐV để thi đấu ở mùa giải mới.

Lần lượt, từ các HLV Nguyễn Thị Thuý Oanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Phạm Thị Kim Huệ cho đến các tay đánh chủ lực Lưu Thị Huệ, Trần Tú Linh, Vi Thị Như Quỳnh, Đoàn Thị Xuân, Nguyễn Thị Thu Hoài, Dương Thị Ninh Anh… đã nói lời chia tay đội bóng, hoặc đang chờ thanh lý để được tự do ra đi.

Cay đắng ở chỗ, cả hai đội bóng kể trên từng góp phần tạo nên một giai đoạn rực rỡ cho đấu trường quốc nội, cả về “chất” chơi lẫn phong thái đầu tư. Họ khát vọng và tự tin tranh chấp sòng phẳng cùng những tên tuổi lớn như VTV Bình Điền Long An, Thông tin LVPB, chen chân trong tốp đầu nhiều mùa liên tiếp.

Bối rối bóng chuyền ảnh 1 Kể từ mùa giải 2021, các cô gái TH Vĩnh Long có đơn vị chủ quản mới.
Các cô gái Ngân hàng Công thương từng đoạt ngôi vô địch quốc gia, giành Cúp bóng chuyền nữ quốc tế VTV Bình Điền, sở hữu Cúp Hùng Vương và cung cấp cho Đội tuyển quốc nhiều thế hệ VĐV tài năng, chẳng hạn là Hà Thu Dậu, Hà Thị Hoa, Phạm Thị Kim Huệ, Lê Thanh Thuý, Lưu Thị Huệ, Nguyễn Thị Xuân…

Giờ thì các cô gái Vĩnh Long đã cập bến Ninh Bình, nhưng nhiều người trong số họ còn chưa hết hoang mang vì phải tập và chơi bóng ở miền đất lạ, tương đối khác biệt về văn hoá so với xứ Đồng bằng sông Cửu Long thân thuộc.

Câu chuyện hy hữu này chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam, khi một đội bóng phía Nam được chuyển giao hoàn toàn cho một tỉnh phía Bắc chỉ sau một cuộc thương lượng ngắn ngủi giữa lãnh đạo 2 Sở VH-TT-DL. Xoá đi một phiên hiệu (Truyền hình Vĩnh Long) không khó, nhưng xoá đi ký ức đẹp về đội bóng trong tiềm thức của các cô gái Vĩnh Long thật chẳng dễ dàng gì.

Nhưng ở vào thời điểm phát triển có phần hỗn loạn, thiếu tính định hướng như bây giờ của bóng chuyền, đấy có thể xem là điều… bình thường. Bất cứ tỉnh, thành hay ngành nào cũng có thể buông bỏ làm bóng chuyền vì thiếu thốn kinh phí, không tìm được nhà tài trợ đồng hành. Bất cứ VĐV nào cũng có thể “vì khoản tiền lót tay đáng mơ ước” mà dứt áo ra đi, rời khỏi nơi từng đào tạo mình từ năng khiếu cho đến lúc thành danh.

Bối rối bóng chuyền ảnh 2 VĐV Trần Tú Linh đã tìm được bến đỗ mới sau khi chia tay đội bóng NHCT.
Thậm chí, họ chấp nhận chuyển đến một CLB mới vừa thành lập, non nớt ở sân chơi quốc gia nhưng… sẵn tiền và sẵn sàng “đi đêm” để chèo kéo VĐV đội khác về với mình. Trường hợp VĐV Trần Tú Linh kiên quyết rời Ngân hàng Công thương để đầu quân cho đội HCĐG Hà Nội, là một trong những điển hình về việc bị lôi kéo bằng hứa hẹn lót tay và mức lương cao của đội bóng yếu khâu đào tạo trẻ nhưng lại biết cách “phá” đội bóng khác bằng những tiểu xảo, chiêu trò.

Bóng chuyền vì thế mà loạn nhịp, mất cân bằng và đang dần vuột khỏi tầm kiểm soát của nhà quản lý ở cấp CLB, cao hơn là ở Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, nơi mà nhiều uỷ viên Ban chấp hành lâu nay vẫn chê là “chậm phát triển” rõ rệt so với xu thế hiện nay.

Tin cùng chuyên mục