Biểu tượng phát xít trên sân Croatia

Italia đã khiếu nại lên UEFA khi mà một hình “chữ thập ngoặc” (biểu tượng của chủ nghĩa phát xít và thường được gọi là “swastika” bởi người phương Tây) xuất hiện trên sân Stadion Poljud tại thành phố biển Split trong trận vòng loại Euro 2016 với tuyển chủ nhà Croatia.

Vòng loại Euro 2016

Italia đã khiếu nại lên UEFA khi mà một hình “chữ thập ngoặc” (biểu tượng của chủ nghĩa phát xít và thường được gọi là “swastika” bởi người phương Tây) xuất hiện trên sân Stadion Poljud tại thành phố biển Split trong trận vòng loại Euro 2016 với tuyển chủ nhà Croatia.

Cảnh sát hiện vẫn chưa rõ phương cách mà thủ phạm đã sử dụng để tạo ra ký tự này trên mặt cỏ. “Đây là hành động phá hoại ngấm ngầm và là một tội ác”, người phát ngôn Tomislav Pacak của Liên đoàn Bóng đá Croatia (HNS) cho biết. “Chúng tôi mong cảnh sát sớm tìm ra thủ phạm. Đây không chỉ là sự hổ thẹn của riêng HNS mà của cả Croatia”.

Cũng theo người phát ngôn của Pacak, hình “chữ thập ngoặc” nói trên được tạo ra trong khoảng từ 24 đến 48 giờ trước khi trận đấu được diễn ra. “Chúng tôi gửi lời xin lỗi đến những khán giả truyền hình, 2 đội tuyển và các khách mời đến từ Italia vì sự xuất hiện của biểu tượng phát xít này”. Thành viên của Liên đoàn Bóng đá Italia cũng đã khiếu nại với những nhân viên UEFA đang trực tiếp giám sát trận đấu trên sân và các công nhân làm việc tại đây đã xóa hình “chữ thập ngoặc” này đi khi 2 đội nghỉ giữa trận.

Biểu tượng “chữ thập ngoặc” trên sân Stadion Poljud ở Croatia.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Croatia và cũng là cựu danh thủ nổi tiếng, Davor Suker, đã lập tức có những phản ứng đầu tiên. “Chúng tôi đang gặp vấn đề. Một số các CĐV không tuân thủ luật. Tôi có giận dữ không ư? Có.”, ông nói. Suker hiện cũng mới được bầu vào Ủy ban điều hành của Uefa hồi đầu năm nay, tổ chức ghi trong cương lĩnh nội dung “không khoan nhượng với phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử”. Tuy vậy, một tổ chức xã hội ở Serbia hồi tháng 3-2015 đã buộc tội cựu danh thủ này là người ủng hộ Ustase, một chế độ ở Croatia được phát xít Đức và Italia hỗ trợ lập nên trong Thế chiến thứ 2. Chế độ Ustase bị cáo buộc đã gây ra những vụ thảm sát quy mô lớn nhắm vào người Serbia, Do Thái và kể cả những người Croatia phản đối phát xít. Lùi xa hơn vào quá khứ, Liên đoàn Bóng đá Serbia cũng cáo buộc “Suker đã bị chụp lại cảnh đang tươi cười bên ngôi mộ của lãnh đạo Ustase và cũng là tội phạm chiến tranh, Ante Pavelic, tại Madrid” (sở dĩ, nhiều tổ chức Serbia lên tiếng về vấn đề này là bởi 2 quốc gia có rất nhiều căng thẳng trong lịch sử).

Ở trận đấu lượt đi vào tháng 11-2014, người hâm mộ của Croatia cũng đã 2 lần tràn xuống sân San Siro gây rối loạn. Hậu quả là Uefa phạt Liên đoàn Bóng đá Croatia số tiền 80.000 eur, ngang bằng với mức phạt mà cơ quan đầu não của bóng đá châu Âu dành cho một số CĐV Croatia, những người đã mô phỏng âm thanh của loài khỉ và nhắm vào Mario Balotelli ở trận chung kết EURO 2012 trên đất Ba Lan.

Hồi tháng 3-2015 vừa qua, khi đón tiếp tuyển Na Uy cũng trong khuôn khổ vòng loại Euro ở bảng H, Uefa cũng đã buộc HNS phải bỏ trống đến 8.000 chỗ trên khán đài. Và đến trận đấu lượt về với tuyển Italia kể trên, án phạt tiếp theo mà Liên đoàn Bóng đá châu Âu dành cho họ là buộc phải đóng cửa sân nhà hoàn toàn.
Bóng đá Croatia có rất nhiều vết hoen ố trong quá khứ bởi những hành động không thể chấp nhận từ một số cổ động viên, thậm chí cả cầu thủ. Tháng 12-2003, sau trận đấu với tuyển Iceland, hậu vệ Josip Simunic bị FIFA cấm thi đấu đến 10 trận vì thực hiện kiểu chào của chế độ Ustase. Ở trận giao hữu với tuyển Italia tại Livorno năm 2006, khoảng 200 CĐV của Croatia cũng xếp hàng và tạo thành hình “chữ thập ngoặc”.

VŨ ĐỨC NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục