Không phải đã đến lúc ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền nữa mà giờ đây khả năng khán giả được xem trực tiếp các trận đấu quốc tế trên các kênh chính thống có lẽ ngày càng xa hơn.
Vào giữa năm 2015, VTVcap công bố có được gói bản quyền trực tiếp các trận đấu ở Champions League và Europa League trong 3 mùa giải liên tiếp gồm 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018. Đây là đơn vị truyền hình duy nhất ở Việt Nam có được gói bản quyền này, dù VTVcap chỉ nhận được khoảng 60% các trận đấu của giải. Đây là gói bản quyền không trọn vẹn, bởi nó thiếu các trận đấu đinh của từng vòng đấu. Khán giả khi đó cũng đã hơi thất vọng nhưng cũng hiểu rằng giá trị không cao thì khó có thể đòi hỏi xem được các trận đấu hay nhất. Nhưng dù sao, một đơn vị truyền hình thương thảo và chi một khoản tiền khá lớn để đem về phục vụ khán giả của họ cũng là điều đáng mừng. Thế nhưng, mùa đầu tiên chỉ đi được nửa chặng đường, đối tác đã thông báo và không cung cấp tín hiệu trận đấu cho phía VTVcap vì lý do đơn vị này không quản lý được vấn đề bản quyền. Đến mùa bóng 2016-2017, VTVcap được phát sóng trở lại cho đến trước trận bán kết lượt về Champions League. Khán giả đang đón chờ xem chính thức trên sóng các trận đấu hay nhất mùa bóng khi có sự góp mặt của Real Madrid, Juventus… thì một lần nữa VTVcap bị thông báo ngưng cung cấp tín hiệu trận đấu. Lý do lần này cũng tương tự lần trước: không quản lý được bản quyền.
Thật ra, tình trạng vi phạm bản quyền bóng đá không chỉ nhức nhối ở Việt Nam mà cũng khá tràn lan trên thế giới, nhất là khu vực châu Á, Trung Đông. Chỉ cần một máy tính có mạng, ai cũng có thể xem được gần như các trận đấu đang diễn ra. Link xem các trận đấu thì được các trang mạng cung cấp đầy đủ trước khi trận đấu diễn ra ít nhất 30 phút. Gần đây, nhà cung cấp Google siết chặt vấn đề bản quyền, chứ trước đây chỉ cần vào YouTube thì khán giả cũng có thể tha hồ xem trực tiếp các trận đấu quốc tế trên kênh này. Và để quản lý, hạn chế tình trạng xâm phạm bản quyền, các nhà cung cấp giờ đây còn đòi hỏi đối tác của mình có trách nhiệm hạn chế sự vi phạm đó chứ không đơn thuần bỏ tiền ra mua là có. VTVcap đang ở trong tình trạng này và họ đã phải chỉ còn biết “kêu trời” bởi dù đã làm đủ mọi cách từ giải pháp kỹ thuật cho đến kêu gọi nhưng các đơn vị khác vẫn “vô tư” vi phạm mà bản thân họ không có cách gì ngăn chặn.
Điều đáng lưu ý ở chỗ, vi phạm bản quyền ở Việt Nam không chỉ là các cá nhân mà còn là những đơn vị lớn. VTVcap qua quá trình giải quyết vụ việc đã than rằng: “Không chỉ những đơn vị có máy chủ đặt ở nước ngoài mà kể cả những trang mạng chính thống của những tập đoàn lớn tại Việt Nam, của các công ty cung cấp mạng di động cũng ăn cắp tín hiệu phát sóng”. Nói ra điều này có nghĩa là VTVcap đã quá tường tận những ai ăn cắp bản quyền của mình. Vậy vì sao chưa có một vụ kiện nào, cũng chưa có một cái tên nào xuất hiện gắn với hành vi ăn cắp này? Có lẽ, ngay cả chuyện này cũng là vấn đề “tế nhị”.