Dù là đội bóng vừa đánh bại đoàn quân thiện chiến của HLV Park Hang-seo nhưng đây là đội tuyển Thái Lan bị xem yếu nhất trong những lần đăng quang của họ tại AFF Cup. Điều đó càng tôn vinh tài năng của Alexandre Polking.
Nhà cầm quân người Brazil gốc Đức đến với bóng đá Thái Lan tương đối tình cờ. Ông chia tay CLB TP.HCM sau 2 năm làm việc mà không đem đến kết quả nào, định sang Thái Lan để tìm chỗ làm mới ngay thời điểm mà người Thái Lan đang ở đáy của sự thất vọng sau khi HLV có đẳng cấp World Cup người Nhật Bản, Nishino từ nhiệm. Khi ấy, đại dịch Covid-19 khiến cho mọi hoạt động bóng đá ngưng trệ, việc bổ nhiệm ông A.Polking gần giống hình thức “thời vụ”, với một bản hợp đồng ngắn hạn, chủ yếu để phục vụ cho AFF Cup 2020 vốn lùi đến tận cuối năm 2021 mới được tổ chức.
Chức vô địch AFF Cup 2020 đã thay đổi tất cả. Không chỉ giữ việc lâu dài, mà A.Polking còn đưa Thái Lan vào VCK Asian Cup 2023 để rồi chính ông tự bảo đảm chiếc ghế của mình bằng ngôi vương ở AFF Cup 2022. Giới thạo tin ở Bangkok cho biết, nếu Polking làm quyết liệt, thì có thể LĐBĐ Thái Lan vẫn sẽ triệu tập các ngôi sao đang chơi tại Nhật Bản như Chanathip hay Supachok, Thitiphan, Phitiwat về thi đấu ở AFF Cup 2022 vì hiện nay, các giải J-League đều không thi đấu. Nghĩa là Polking chủ động từ chối tập hợp đội hình mạnh nhất, bao gồm cả Supachai, cầu thủ ghi bàn hàng đầu hiện tại của Thai League, hay Suphanat đang đá ở Buriram United. Mục đích của Polking rất rõ ràng: xây dựng một đội bóng có chiều sâu để hướng đến Asian Cup 2023.
Ví dụ như không ai trong số 3 thủ môn có hơn 10 lần khoác áo đội tuyển. Các cầu thủ như Peeradon, Poramet và Sasalak trước đây toàn ngồi dự bị. “Ông lão” Teerasil thì thống lĩnh hàng công ở kỳ AFF Cup thứ 5 của mình. Vậy mà Thái Lan vẫn làm chủ cuộc chơi, vẫn đĩnh đạc với thứ bóng đá đẳng cấp, tấn công đa dạng và bản lĩnh miễn chê. Một năm trước, Polking chỉ là “hàng loại 2” nhưng sau hơn 13 tháng, ông lại có thể biến những “hàng loại 2” khác trở thành các nhà vô địch.
Theerathon Bunmathan chuyển vào đá tiền vệ tổ chức và lấy luôn giải “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”. |
Tài nghệ của Polking không chỉ nằm ở chiến thuật hay sự chuẩn bị chu đáo cho từng trận đấu, mà còn ở khả năng tái tạo một ngôi sao mới cho bóng đá Thái Lan. Theerathon Bunmathan chính là bằng chứng sinh động nhất. Gần một thập kỷ qua, Theerathon được biết đến với vai trò của một hậu vệ cánh trái và kiểu chơi phòng ngự “cùi chỏ” cùng lối đá tiểu xảo đến mức thượng thừa. Đấy là lý do mà linh hồn trong lối chơi của Thái Lan tại AFF Cup lại mang áo số 3, vốn dành cho các cầu thủ đá phòng ngự.
Khả năng chơi cánh của Bunmathan xuất sắc đến mức anh giành 2 chức vô địch AFF Cup, vô số chức vô địch Thai League 1 với cả Buriram United và Muangthong United, và trở thành cầu thủ đầu tiên của Thái Lan vô địch J-League 1 cùng Yokohama F. Marinos vào năm 2019. Không phải Chanathip, chính Theerathon Bunmathan mới là ngôi sao thành công nhất của Thái Lan trong việc “xuất ngoại”. Anh từng ra sân đến 106 lần trên sân cỏ J-League trước khi về lại Thai-League khi đến tuổi 30. Vậy mà ở tuổi 32, được chuyển vào đá tiền vệ tổ chức lối chơi, Bunmathan trở thành “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”.
Đó là công của Polking, nhưng cũng phải ghi nhận đẳng cấp của Bunmathan hay nói rộng hơn, là chất lượng của các cầu thủ Thái Lan. Họ có thể mất đi tốc độ, sự dũng mãnh khi lớn tuổi nhưng chất lượng chơi bóng thì còn nguyên vẹn.