Thử điểm lại thời điểm cuối năm 2015, khi đội tuyển nữ trẻ Việt Nam tập trung, trong đó Hồng Ngọc đã được chọn với thông số rất lý tưởng (sinh năm 1999, cao 1m77). Sau một thời gian tập trung, Tổng cục TDTT quyết định cho đội tuyển trẻ đi tập huấn ở Thái Lan. Do phải làm hộ chiếu cho các VĐV nên BHL yêu cầu các VĐV nộp giấy chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, trong số 16 VĐV chỉ có duy nhất chủ công của đội Thanh Hóa không xuất trình được giấy tờ tùy thân và tự động xin ở nhà. BHL và các thành viên của đội tuyển khi đó mới tá hỏa và phát hiện ra rằng Hồng Ngọc đã được người lớn khai gian tuổi.
Hồng Ngọc chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp VĐV “trẻ nhưng không còn trẻ” của bóng chuyền Việt Nam hiện nay. Có VĐV thi đấu giải trẻ ròng rã suốt 5-7 năm nhưng chẳng nhà quản lý nào chịu lên tiếng hay điều tra cả.
Vì từng xảy ra những vụ gian lận tuổi ở các môn bóng đá, điền kinh, bóng bàn, nên ngành TDTT đã ra yêu cầu từ sau ngày 30-11-2004, tất cả các VĐV khi tham dự các giải đấu quốc gia phải xuất trình thẻ, chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh bản chính. Hơn thế nữa, Nghị định 141/2004/NĐ-CP ngày 1-7-2004 đã ban hành những quyết định về xử phạt về những việc gian lận trong thể thao.
Tuy nhiên, ở giải bóng chuyền trẻ toàn quốc 2017 đang diễn ra tại Hà Tĩnh, không phải VĐV nào cũng đưa ra đầy đủ thẻ VĐV, chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh bản chính như yêu cầu. Thậm chí, có đội bóng không có giấy tờ hợp lệ cho… tất cả các VĐV (?!). Nhưng chẳng hiểu sao, HLV đội bóng đó đã cam kết bằng cách nào đó để mọi chuyện được cho qua, mở đường cho điều sai trái tiếp diễn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đội bóng khác đang nỗ lực thi đấu, cạnh tranh bằng VĐV đúng tuổi và đúng luật.