Cái sự “đói” thông tin khiến cho bất cứ chuyện gì cũng có thể trở thành “điểm nóng”. Rồi từ đó, chuyện lẽ ra cần đào sâu thì chẳng ai quan tâm, trong khi có những chuyện không là gì thì cứ được lặp đi lặp lại thành sự kiện “hot”.
Chuyện bầu Đức sau một thời gian bị lãng quên đã bất ngờ trở lại với việc bình luận về tài cầm quân của HLV Hoàng Anh Tuấn, hay chuyện ông Lê Thụy Hải nói về việc gọi cầu thủ U.20 lên tuyển quốc gia của HLV Hữu Thắng… xét về chuyên môn đều là chuyện bình thường. Vậy nhưng dưới góc độ “bàn luận” của nhiều người thì lại chuyển hướng thành nhiều cấp độ khác nhau, được gắn với nhiều từ khóa như “cay cú”, “chỉ trích”, “lật tẩy”…
Mới đây, việc tập trung đội tuyển Việt Nam cho trận thứ hai vòng loại cuối cùng Asian Cup 2019 cũng là “đề tài” cho các luồng thông tin mặc sức khai thác. Việc gọi cầu thủ vào dự tuyển, thiếu đủ vài ngày hay vài cầu thủ là điều bình thường ở tất cả các đội tuyển quốc gia, thậm chí người ta phải lường trước chuyện đó như là một phần tất yếu, bởi cầu thủ ngoài vai trò tuyển thủ quốc gia còn phải phục vụ câu lạc bộ, chấn thương hay có những lý do riêng khác.
Riêng điều cần góp ý trong chuyện này, đó là mức độ thành công của đội tuyển ở vòng loại này đến đâu và quan điểm trong việc phát triển bóng đá. Nhiều bạn đọc khi phản hồi ý kiến bài viết liên quan đến đội tuyển hay kêu rằng “nhớ Calisto và Miura”. Nói gì thì nói, từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực cho đến nay thì có được chút nền tảng hay không, rút ra được bài học kinh nghiệm quý nào… cũng gắn với tên tuổi các HLV ngoại. Trong suốt quãng đường đó, có những chặng do các thầy nội đảm nhiệm cũng không phải thiếu thành công nhưng đa phần không duy trì được nền tảng đã xây và mọi thứ lại đi vào ngõ cụt. Nhìn thực trạng đội tuyển hiện nay sẽ thấy bản sắc bóng đá Việt Nam bay đâu mất, mọi trận đấu chỉ trông chờ vào phong độ, may mắn rồi sau đó tính tiếp.
Cũng phải thừa nhận rằng các HLV hiện nay rất giỏi trong việc… làm an lòng dư luận. Trước giải đấu, trận đấu, họ đều công bố những khó khăn về thiếu cầu thủ, thiếu điều kiện tập luyện, mặt sân không tốt, di chuyển dài, lịch thi đấu bất hợp lý… Sau trận đấu, nếu đội thắng thì họ không tuyên bố gì nhiều, nếu thua thì họ phát biểu nhận ngay trách nhiệm và xin dư luận đừng lên án học trò. “Bài tủ” này trước đây không một HLV ngoại nào làm được nên phần lớn phải ra đi vì bất đồng quan điểm. Còn bây giờ, HLV vẫn được tin tưởng, thậm chí còn được khen tài khéo léo. Thế nhưng nhiều người biết rằng cái trách nhiệm họ nhận chẳng qua… không có trách nhiệm gì. Trách nhiệm huấn luyện phải gắn với chất lượng đội tuyển, lối chơi, chiến thuật, nền tảng, chiều hướng phát triển, lòng tự trọng… Chí ít là chuyện từ chức, hay là trung thực với chính mình. Còn “trách nhiệm” hiện nay là một từ nghe rất hay nhưng thực chất không có nghĩa gì khác ngoài việc cho mọi thứ qua đi.
Nhưng xét cho cùng, HLV cũng chỉ là những người được giao việc, đôi khi phải miễn cưỡng chấp nhận. Trách nhiệm chính vẫn là VFF, nơi đề ra chiến lược, hoạch định kế hoạch cho nền bóng đá phát triển. Cho nên, trước tiên là rất cần trách nhiệm ở những người có trách nhiệm này.