AFF Cup 2022: Số lượng không đi đôi với chất lượng

Đã có 85 bàn thắng được ghi sau 24 trận vừa qua ở AFF Cup 2022, tức trung bình 3.54 bàn/trận. Mùa giải năm nay vẫn còn 2 trận chung kết lượt đi và lượt về giữa Việt Nam - Thái Lan để cán hoặc vượt qua cột mốc kỷ lục 88 bàn thắng ở kỳ AFF Cup diễn ra gần nhất vào năm 2021.
Việt Nam đã đánh bại Lào 6-0 ngay trên sân khách ở vòng bảng AFF Cup 2022
Việt Nam đã đánh bại Lào 6-0 ngay trên sân khách ở vòng bảng AFF Cup 2022

AFF Cup 2020 nhưng tổ chức... vào năm 2021 vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là kỳ Tiger Cup/AFF Cup ghi nhận nhiều bàn thắng thứ 3 trong lịch sử giải đấu, sau các năm 2004 (113 bàn), năm 1996 (93 bàn) và năm 2002 (92 bàn).

Nhưng tính từ kỷ nguyên AFF Cup vào năm 2007, con số 88 bàn thắng ở mùa giải 2020 là cột mốc lớn nhất. Kể từ khi sân chơi Đông Nam Á trở lại với 10 đội tham dự vào năm 2018, đã có thêm 6 trận đấu và kéo theo nhiều bàn thắng được ghi. AFF Cup 2018 có tổng cộng 80 bàn thắng, trung bình 3.08 bàn trận. Trong khi con số ở mùa giải 2020 là 3.38 bàn/trận.

Ngay cả khi 2 trận chung kết AFF Cup 2022 không xuất hiện bàn thắng, chắc chắn mùa giải vẫn khép lại trung bình trên 3 bàn/trận. Nhưng xác suất không “nổ” bàn thắng rất thấp, khi Việt Nam và Thái Lan đang là 2 đội sở hữu hàng công mạnh nhất giải đấu, với Nguyễn Tiến Linh (Việt Nam) và Teerasil Dangda (Thái Lan) ganh đua quyết liệt cho danh hiệu Vua phá lưới. Sẽ không có gì bất ngờ nếu AFF Cup 2022 vượt qua cột mốc kỷ lục 88 bàn thắng ở mùa giải năm 2021.

Nhưng biểu đồ bàn thắng đi lên không đảm bảo chất lượng thật sự cho giải đấu, nếu nhìn vào con số thống kê đang cho thấy chỉ số màu đỏ đi xuống rõ rệt. Trong 24 trận đã qua ở AFF Cup 2022 có đến 11 trận cách biệt tỉ số trên 3 bàn, chiếm gần một nửa. Ngay cả tính chất đấu loại trực tiếp, Thái Lan vẫn đánh bại Malaysia 3 bàn không gỡ ở bán kết lượt về, qua đó ngược dòng đoạt tấm vé vào chơi trận chung kết.

Trong số 10 trận đấu có kết quả hòa và cách biệt 1 bàn, chỉ có 3 cặp đấu đáng xem nhất vì mang tính chuyên môn cao, gồm Indonesia 1-1 Thái Lan, Indonesia 0-0 Việt Nam và Malaysia 1-0 Thái Lan. Hai trong số này là diễn ra ở vòng bán kết. Tức có độ chênh rất lớn giữa vòng bảng và bán kết, khoảng cách trình độ kém xa giữa các đội “ao làng” so với Indonesia, Malaysia... và trên cao còn 2 hạt giống số 1 Việt Nam - Thái Lan đã tiệm cận trình độ châu Á.

Thái Lan đánh bại Malaysia tỉ số 3-0 ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2022. ẢNH: FAT

Thái Lan đánh bại Malaysia tỉ số 3-0 ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2022. ẢNH: FAT

Lật dở lại 4 kỳ AFF Cup gần nhất chỉ có 8 đội tham dự, với 18 trận đấu. Ngoại trừ mùa giải 2014 có số bàn thắng trung bình 3.61 bàn/trận, ba kỳ AFF Cup còn lại đều không vượt qua con số 3 bàn/trận. Cụ thể, 2.83 bàn/trận (năm 2010), 2.67 bàn/trận (năm 2012) và 2.78 bàn/trận (năm 2016). Các đội khi đó có trình độ chuyên môn không quá chênh lệch, với 6 đội Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines cạnh tranh đầy gắt gao cho 4 tấm vé vào bán kết. Tức có tính cạnh tranh cao.

Vài năm qua, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) muốn thông qua AFF Cup tạo nhiều cơ hội cho các đội tốp dưới được thi đấu, thu hẹp khoảng cách trình độ với nhóm trên. Nhưng nhìn vào gần một nửa trận đấu ở AFF Cup 2022 có tỉ số cách biệt trên 3 bàn thì các đội "chiếu dưới" học hỏi gì về chuyên môn? Xa hơn, 25 kỳ Tiger Cup/AFF Cup đã qua vẫn chỉ có 4 đội vô địch giải đấu, riêng Thái Lan đã 6 lần nâng cao danh hiệu.

Đã đến lúc AFF cần phải cải tổ đứa con tinh thần. Năm nay, Thái Lan và Malaysia đã không cử đội hình mạnh nhất dự AFF Cup. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi những kỳ tiếp theo, với thương hiệu giải đấu đi xuống, đến lượt Việt Nam hay Indonesia sẽ không còn mặn mà, xem AFF Cup chỉ là sân chơi cho các đội trẻ cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.

Tin cùng chuyên mục