ITA đã tiếp quản chương trình tại Olympic Tokyo 2020, và tổ chức này hiện hợp tác với hầu hết các liên đoàn thể thao quốc tế. ITA cho biết, kinh nghiệm có được ở sự kiện diễn ra tại Nhật Bản vào năm 2021 đã cho phép họ phát hiện “những cách gian lận trong thi đấu của VĐV”.
Tập trung xét nhóm môn có nguy cơ cao
Trong năm 2024, ITA đã tiến hành hơn 32.600 cuộc kiểm tra doping, tăng khoảng 45% so với số cuộc kiểm tra các VĐV trong 6 tháng trước. Báo cáo ghi: Các cuộc nghiệm đã phát hiện hơn 85 trường hợp vi phạm quy định chống doping, dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt và số còn lại vi phạm đang được xem xét.
ITA tập trung xét nghiệm vào “nhóm các môn và nội dung thi đấu có nguy cơ cao với dương tính doping”, gồm: cử tạ (chiếm một phần 4 số ca dương tính doping trong lịch sử các kỳ Olympic mùa hè), ba môn phối hợp và thể dục dụng cụ. Cụ thể, 75% VĐV nhóm môn kể trên đã được xét nghiệm ít nhất ba lần. Tất cả VĐV thi ba môn phối hợp được xét nghiệm ít nhất một lần, điều tương tự với VĐV thi đấu môn Thể dục dụng cụ là 99%.
Có 89% VĐV điền kinh sắp tham dự Olympic Paris 2024 vượt qua bài kiểm tra doping đợt đầu tiên. Trong khi đó, chỉ có 63% cầu thủ bóng đá được xét nghiệm doping. Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) là một trong số ít các cơ quan quốc tế không giao phó chương trình chống doping của mình cho ITA, mà đơn vị này có một ban riêng để phòng, chống những tệ nạn.
Dành sự "chăm sóc" đặc biệt đến VĐV Trung Quốc
Theo ITA, đến 98% VĐV Trung Quốc đã được xét nghiệm nhiều lần trong năm 2024. Số liệu thống kê đã chỉ rõ, các VĐV đến từ quốc gia này bị kiểm tra doping liên tục và nhiều nhất trong tất cả đoàn thể thao tham dự Olympic Paris 2024.
Việc VĐV Trung Quốc được “chăm sóc” đặc biệt bởi vào tháng 4-2024, truyền thông Hoa Kỳ bất ngờ đăng tải thông tin, Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) đã cho phép 23 VĐV bơi lội của Trung Quốc được cho dính doping tham dự Olympic Tokyo 2020. Nhưng WADA lại kết luận, họ là nạn nhân của tình trạng nhiễm bẩn thực phẩm.
Trong khi World Aquatics vào ngày 23-7 tiết lộ, riêng các VĐV bơi lội Trung Quốc tham dự Olympic Paris 2024 đã được xét nghiệm “trung bình 21 lần” kể từ ngày 1-1-2024. Với cột mốc thời gian tương tự, các VĐV Hoa Kỳ trải qua 6 cuộc kiểm tra, Italia (5 lần), Úc, Anh và Pháp (cùng 4 lần). Điều này đã tạo ra làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng mạng Trung Quốc, và các thành viên trong đoàn thể thao của họ cho rằng mình đang bị phân biệt đối xử.
"Chúng tôi phải có mặt ở nơi kiểm tra doping vào lúc 6 giờ sáng. Trong giờ nghỉ trưa, đoàn không có nơi nào khác để nghỉ ngoài nằm trên ghế sofa ở sảnh khách sạn. Đến 21 giờ tối, chúng tôi phải quay trở lại đây và thức đến nửa đêm", chuyên gia dinh dưỡng Yu Liang của đội tuyển bơi Trung Quốc chia sẻ lên mạng xã hội vào hôm 21-7.
Bên cạnh đó, 97% VĐV thuộc đoàn thể thao trung lập đến từ Nga, Belarus và Hungary đã vượt qua được bài kiểm tra doping đợt đầu tiên.