Theo dự kiến, ngày 15-4 này, LĐBĐ Việt Nam sẽ công bố danh tính tân HLV cho các đội tuyển Việt Nam và cũng đã khẳng định, đấy sẽ là một HLV ngoại. Như vậy, dù dư luận đang ủng hộ việc trao quyền cho các HLV bản địa thì xem ra, bóng đá Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ít nhất một “triều đại” nữa được dẫn dắt bởi một chuyên gia nước ngoài. Phải chăng cũng nên nhìn lại và so sánh những gì mà các HLV ngoại đã làm được?
Tư duy mới mẻ
Năm 1995, Edson Tavares trở thành huấn luyện viên trưởng người nước ngoài đầu tiên của Việt Nam và ngay lập tức đem lại thành công cho bóng đá Việt Nam qua các trận đấu tại Cúp Độc Lập 1995. Tại giải này, Việt Nam tham dự 2 đội tuyển và cả hai đều thi đấu thành công, đều vào bán kết. Điều Tavares để lại ấn tượng chính là thể lực của các cầu thủ Việt Nam tăng lên đáng kể. Thế nhưng, cũng chính những bài tập “nhồi thể lực” của ông này trong lần trở lại năm 2004 đã khiến ông từ chức sớm sau thất bại ở Tiger Cup 2004. Nói chung, Edson Tavares chỉ có được ấn tượng nhờ một số tư duy mới mẻ do là HLV ngoại đầu tiên của Việt Nam.
Karl Heiz Weigang được chọn thay cho Edson Tavares và là người tạo nên kỳ tích HCB SEA Games 1995, một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Ông này đã giúp bóng đá Việt tiếp cận với cách tư duy khoa học của làng cầu thế giới. Dưới thời của HLV người Đức này, cầu thủ Việt Nam làm quen với các pha truy cản bóng quyết liệt nhưng không phạm luật và một số lối chơi hiện đại của thế giới. Có thể nói, chính Karl Heiz Weigang là người đặt nền móng quan trọng trong việc hình thành tư tưởng HLV ngoại bao giờ cũng tốt hơn HLV nội.
![]() |
HLV Calisto đang chỉ đạo các cầu thủ trên sân tập tại Quảng Châu - Trung Quốc. |
HLV người Áo Alfred Riedl đến với Việt Nam từ năm 1998 và ngay lập tức đưa đội tuyển vào chơi trận chung kết Tiger Cup trên sân Hàng Đẫy. Thua Singapore 0-1 trong trận đấu lấy đi không biết bao nhiêu là nước mắt của người hâm mộ Việt Nam, ông Alfred Riedl cũng từ đó được xem là “Mr Về Nhì” khi các năm 1999, 2003 (lần trở lại thứ 2) và 2005 (lần trở lại thứ 3) ông đều để thua Thái Lan trong các trận chung kết SEA Games. Tầm ảnh hưởng của ông Alfred Riedl là rất lớn bởi tính cách mềm mỏng, chân thành và được nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam yêu quý. Ông cũng là người có công tìm ra “thế hệ vàng” thứ 2 của bóng đá Việt Nam ở SEA Games 2003 với rất nhiều cầu thủ hiện còn chơi bóng đến tận bây giờ. Chính Rield là một “bảo chứng thành công” của một HLV ngoại nếu phải so sánh với HLV nội.
Nhưng người được nhớ đến nhiều nhất trong các triều đại HLV ngoài chính là Henrique Calisto với gần 10 năm làm việc thường xuyên tại Việt Nam. Ông đến với đội tuyển lần đầu vào năm 2002 và trở thành người có công tìm lại sinh khí mới cho bóng đá Việt Nam với chiếc HCĐ Tiger Cup 2002 trong thời điểm vô cùng khó khăn. Năm 2008, vượt qua những trở ngại tưởng chừng như không thể, ông đem về chức vô địch AFF Cup, danh hiệu duy nhất trên đấu trường Đông Nam Á. Trong số các đời HLV ngoại, chính Calisto là người để lại dấu ấn đậm nét nhất về mặt chiến thuật và con người.
Những hợp đồng thời vụ
Xen giữa các HLV có đóng góp quan trọng cho bóng đá Việt Nam trên là những HLV chỉ tồn tại chưa quá một năm. Họ đến và ra đi dựa trên thành tích ngắn hạn. Đầu tiên là HLV người Anh Colin Murphy với chiếc HCĐ SEA Games 1997. Kế đến là ông thầy Brazil Dido với vô số scandal về kỹ năng huấn luyện. Người làm chuyên môn chắc ít ai nhớ đến HLV người Pháp Letard nhưng ông này lại nổi tiếng khi thắng kiện VFF, bắt tổ chức này phải đền bù 3 tỷ đồng vì phá bỏ hợp đồng trước thời hạn hồi năm 2002.
Điểm chung trong các bản hợp đồng có thời gian ngắn đó là các ông thầy này đều ít có thành tích trước khi đến Việt Nam, chủ yếu được tuyển chọn từ các nhà môi giới hoặc hồ sơ xin việc. Họ đều mắc những sai lầm trong quá trình huấn luyện nhưng đến khi VFF phát hiện ra thì lại quá trễ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chuyên môn của các đội tuyển. Ví dụ như ông Tavares thì đưa đội tuyển sang Trung Quốc tập thể lực trong mùa lạnh giá trước Tiger Cup 2004. Ông Dido lại nhồi thể lực cầu thủ trên bãi biển Vũng Tàu và không hề tập luyện về chiến thuật thi đấu. Ông Letard thí tuyển chọn cầu thủ bằng các bài kiểm tra dành cho lứa tuổi U-15…
15 năm “sống” cùng hơi thở HLV ngoại, không chỉ có màu hồng. Những lần thành công đều phải “trả giá” bằng những ông thầy xa lạ về cách nghĩ lẫn chuyên môn. HLV ngoại đã làm được nhiều điều cho bóng đá Việt Nam nhưng qua các bài học thất bại lại cho thấy, họ cũng cản trở không ít tiến trình phát triển. Nhất là việc hình thành một lối chơi mang bản sắc.
THÚY OANH