Từ thép, xi măng đến… sữa

Việc một thương hiệu sữa công bố chương trình nâng cao thể lực cho các cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai khiến nhiều người làm bóng đá lâu năm cảm thấy lo hơn là vui mừng. 
Công Phượng (HAGL) cùng đại diện nhà tài trợ vào tháng 3-2017. Ảnh: NHẬT ANH
Công Phượng (HAGL) cùng đại diện nhà tài trợ vào tháng 3-2017. Ảnh: NHẬT ANH
Từ thay đổi sản phẩm tài trợ… 
 Việc một sản phẩm sữa lại tài trợ cho bóng đá đỉnh cao có lẽ là điều đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Môn thể thao đối kháng này thường là điểm đến của các sản phẩm có tính “mạnh”.
Ngay từ những ngày đầu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, những dòng sản phẩm liên quan đến thể lực, sức mạnh đã xuất hiện như bia, cà phê…, sau đó là hàng chục thương hiệu thuộc lĩnh vực bất động sản và xây dựng tham gia trong giai đoạn phát triển nhất của V-League. Một số lĩnh vực khác như ngân hàng, thức uống cũng có mặt… Điều này phù hợp với xu hướng chung của thế giới, bởi bóng đá được xem là lĩnh vực tiếp thị cho phái mạnh, có thu nhập ổn định.
Nhưng về sau, bóng đá Việt Nam lại nhận được các tài trợ có vẻ như không liên quan nhiều. Hiện có 2 sản phẩm sữa đang tài trợ các CLB tại V-League. Một trường đại học cũng xuất hiện. Sự dịch chuyển này phản ảnh sự thay đổi của độ tuổi người quan tâm đến  bóng đá Việt Nam bởi các nhà tài trợ hẳn cũng đã nghiên cứu kỹ đối tượng mà họ hướng đến. Nói cho dễ hiểu, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa.
… Đến sự sụt giảm trên khán đài
 Sự thay đổi đó không phải là tín hiệu vui. Bằng chứng là lượng người đến sân xem V-League đang giảm sút nghiêm trọng. Từ mức trung bình 8.000 - 9.000 người/trận của 5 năm trước, hiện nay mỗi vòng đấu V-League chỉ còn khoảng 5.500 người. Ở giải hạng nhất, con số còn tệ hơn, khi chỉ có trung bình vài trăm người mỗi trận.
Bóng đá chuyên nghiệp là một ngành kinh doanh. Đầu tư bóng đá rất tốn kém, vì vậy các doanh nghiệp tài trợ luôn muốn đối tượng quan tâm đến đội bóng phải là những người có khả năng tiêu dùng cao. Thế nên, khi xu hướng trẻ hóa xuất hiện ở người xem, cũng có nghĩa là hiệu quả của tài trợ sẽ giảm do người trẻ chỉ phù hợp với sản phẩm tiêu dùng nhanh.
Ở góc độ khác, việc giảm lượng người xem, lực lượng CĐV được trẻ hóa khiến việc đầu tư vào bóng đá cũng ngày một ít đi. Cho đến nay, sau 16 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, nguồn thu trực tiếp như bán vé, bản quyền truyền hình không hề tiến triển. Nhóm đối tượng tiêu dùng trẻ luôn bị tác động của nhiều loại hình giải trí khác, trong khi những người trưởng thành, có thu nhập ổn định lại ít đến sân xem bóng đá.

Tin cùng chuyên mục